Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cần “cởi trói” cho dịch vụ dầu khí

Những bất cập trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Dầu khí… đã và đang khiến doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước như “võ sĩ thi đấu bị trói chân, trói tay, thua ngay trên chính sân nhà”.  

Những “nút thắt” vô lý

Hoạt động dịch vụ dầu khí trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm, việc phát triển dịch vụ ra nước ngoài khó khăn hơn bởi sự bảo hộ ngày càng gia tăng ở các nước sở tại và sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty đa quốc gia.

Trong nước, gần đây chính sách, pháp luật có nhiều thay đổi, trong khi các quy định cần thiết của pháp luật chuyên ngành dầu khí chưa đáp ứng và chưa có những điều chỉnh phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, kể từ khi Luật Đấu thầu 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, các DN dịch vụ dầu khí phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các DN thuộc các thành phần kinh tế khác không phải là “dân dầu khí chuyên nghiệp” ngay chính tại “sân nhà”.

Người lao động PV SHIPYARD

Bất cập của Luật Đấu thầu đã khiến nhiều công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất hoàn toàn cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ trên chính lĩnh vực, ngành nghề, thị trường truyền thống và là thế mạnh của chính mình. Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) dẫn ví dụ: Đã có chủ đầu tư nêu lý do là có một đơn vị thiết kế khác có 29% vốn của PVN thực hiện tư vấn ở giai đoạn trước của gói thầu, nên các công ty khác trong PVN dù có đủ năng lực thực hiện gói thầu cũng không được tham gia đầu thầu vì không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Vì vậy, PTSC đã bị loại khỏi danh sách nhà thầu tham dự đấu thầu. Mặc dù năng lực cung cấp dịch vụ của PTSC có thể nói là tốt nhất trên thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước hiện nay.

Đây là một thực tế bất hợp lý, làm tăng nguy cơ xâm nhập sâu vào thị trường của các nhà thầu ngoài ngành, thậm chí tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu nước ngoài tham gia vào quy trình sản xuất, dịch vụ truyền thống xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối của PVN trong nhiều năm qua.

Không những vậy, nhiều chính sách cũng cho thấy sự bất hợp lý khi “ưu đãi” hơn đối với các DN dầu khí nước ngoài so với các DN dầu khí trong nước.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào giữa tháng 9 vừa qua, ông Đỗ Văn Khạnh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) - bày tỏ: Thật vô lý khi các DN dầu khí nước ngoài vào tham gia đấu thầu các hợp đồng dầu khí chỉ phải nộp các loại thuế ở mức 5%, chỉ bằng một nửa số thuế mà các DN dầu khí Việt Nam phải nộp.

Đây cũng là thực tế rất bất hợp lý mà PTSC cũng như các DN dịch vụ dầu khí trong nước đang phải gánh chịu. Cũng tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện PTSC cho biết, các nhà thầu nước ngoài khi vào Việt Nam cung cấp dịch vụ chịu thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng trên hàng hóa dịch vụ theo quy định chỉ 2-5%. Trong khi đó, thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ tương tự của nhà thầu trong nước tới 10%. Điều này dẫn đến sự bất lợi trong cạnh tranh về giá của nhà thầu trong nước với nhà thầu nước ngoài khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, các DN dịch vụ dầu khí trong nước cũng gặp vướng mắc trong quá trình thực thi bởi sự không rõ ràng trong các quy định của pháp luật. Cụ thể, đến nay Chính phủ chưa có hướng dẫn về các gói thầu dịch vụ duy nhất trên thị trường; chưa có định nghĩa rõ ràng về dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; chưa quy định hoặc không quy định rõ ràng, thiếu căn cứ áp dụng cho lĩnh vực đặc thù…

Cần bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Trong bối cảnh thị trường dịch vụ dầu khí đang rất khó khăn, công việc khan hiếm, cạnh tranh gay gắt thì chính sách bảo hộ DN dịch vụ dầu khí trong nước ở các quốc gia trong khu vực ngày càng gia tăng. Để có thể tham gia đấu thầu và cung cấp dịch vụ ở các nước, các nhà thầu dầu khí ở Việt Nam phải thực hiện rất nhiều thủ tục phức tạp, phải thông qua các thầu phụ ở nước sở tại, nội địa hóa tài sản cung cấp dịch vụ và phải sử dụng dịch vụ nội địa với một tỷ lệ nhất định, điển hình là tại Malaysia và Indonesia, thậm chí nhiều dịch vụ chỉ được sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ sở tại.

Người lao động PVC

Cụ thể, khi giá dầu sụt giảm thì các nước như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Brunei… đều có những chính sách bảo hộ DN trong nước. Các DN nước ngoài dù trúng thầu cũng chỉ có thể tham gia tối đa 25% khối lượng công việc, còn lại phải sử dụng nhân lực vật lực của nước sở tại.

Như vậy, việc bảo hộ DN trong nước, không phải là điều xa lạ, thậm chí còn phổ biến tại tất cả các quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí.

Trong khi đó, Việt Nam hiện không có chính sách bảo hộ cụ thể cho các DN dịch vụ dầu khí trong nước như các nước trong khu vực, nên DN trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với DN nước ngoài trên sân nhà.

Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE) dẫn chứng: Theo Luật Đấu thầu 2013, công ty có 100% vốn nước ngoài được thành lập và đăng ký kinh doanh tại Việt Nam cũng được xem là nhà thầu trong nước (như Technip, Toyo…) và có thể tham gia đấu thầu trong nước, hưởng toàn bộ ưu đãi như công ty trong nước có 100% vốn trong nước. Do đó, các công ty có vốn sở hữu nước ngoài với sự hậu thuẫn mạnh về tiềm lực tài chính, phương pháp sản xuất, nguồn nhân sự từ công ty hay tập đoàn mẹ, sử dụng lý lịch của chuyên gia đang hoạt động trong tập đoàn đa quốc gia của họ để nâng cao điểm kỹ thuật và trúng thầu, khiến các DN trong nước không thể nào cạnh tranh nổi.

Trong khi đó, để bảo hộ DN trong nước, Chính phủ Malaysia quy định nhà thầu trong nước là tổ chức được thành lập tại Malaysia và có vốn chủ sở hữu từ trong nước (công dân Malaysia ) tối thiểu 70%. Do đó, nhiều công ty nước ngoài dù được thành lập tại Malaysia nhưng vẫn bị hạn chế tham gia đấu thầu trong nước.

Rất nhiều bất hợp lý trong thời gian qua đã “trói chân, trói tay” khiến các DN dầu khí trong nước không phát triển được. Các DN dịch vụ dầu khí trong nước mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế rõ ràng về hành lang pháp lý của hoạt động dầu khí; điều chỉnh các bất cập trong Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Dầu khí; có các biện pháp bảo hộ nhất định, để bảo hộ DN dịch vụ ngành dầu khí, bảo vệ ngành dịch vụ đặc thù quan trọng của DN trong nước, tạo các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các DN trong nước để nhận được hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

Các nhà thầu nước ngoài khi vào Việt Nam cung cấp dịch vụ chịu thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng trên hàng hóa dịch vụ theo quy định chỉ 2-5%. Trong khi đó, thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ tương tự của nhà thầu trong nước tới 10%.

Nguồn tin: petrotimes.vn

ĐỌC THÊM