Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cam go chuyện dò tìm “vàng đen” trên biển…

Theo thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong khoảng 50 năm qua, có cả trăm công ty dầu khí quốc tế đổ vào thềm lục địa Việt Nam tìm dầu khí, nhưng đến nay chỉ còn trụ lại khoảng chục nhà đầu tư. Hàng loạt “ông lớn” dầu khí thế giới đã “bỏ cuộc chơi”, chấp nhận mất vốn. Điều đó chứng tỏ việc thăm dò, khai thác dầu khí trên biển Đông đầy khó khăn và rủi ro. 

Thăm dò dầu khí phải tiến hành trong thời gian dài, ở độ sâu hàng trăm mét nước biển

Nhầm vài mũi khoan, mất cả trăm triệu USD

Theo PVN, tính từ khi Chính phủ Việt Nam ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí đầu tiên với nhà thầu AGIP (Italy) vào năm 1978, cho đến nay, PVN đã thay mặt Chính phủ ký kết hàng trăm hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với tổng lượng tiền các nhà đầu tư lên tới hàng chục tỉ USD.

Năm1986, Việt Nam đã đón tấn dầu đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất Việt Nam do Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) điều hành. Chất lượng dầu thô mỏ Bạch Hổ được đánh giá là một trong những loại dầu thô tốt nhất thế giới, có giá mua cao bậc nhất thế giới nên vào những năm cuối thập kỷ 90 đã có một làn sóng ồ ạt các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đổ vào đầu tư tìm kiếm dầu tại Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), Total (Pháp), Shell (Hà Lan)…

Hầu hết các công ty này khi vào tìm kiếm thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam đều tìm ra các cấu tạo hoặc những mỏ có dầu khí nhưng để đi đến khai thác là cả một câu chuyện dài. Theo PVN, thời điểm những năm đầu thập kỷ 90, Việt Nam chỉ có một số lượng ít ỏi tài liệu về dầu khí. Hầu hết các kết quả thăm dò bước đầu này là tài liệu của Pháp và Mỹ để lại sau chiến tranh. Sau này với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, phải mất gần 11 năm liên tục mới tìm ra được mỏ dầu Bạch Hổ và khai thác được tấn dầu thương mại đầu tiên vào năm 1986.

PVN cho biết thêm, việc các công ty tìm kiếm thăm dò dầu khí phải đổ tiền vào làm thu nổ địa chấn dưới hàng trăm mét nước biển, rồi tiếp tục thực hiện công tác giải mã những vệt loằng ngoằng đó (minh giải địa chấn) thành tài liệu để đi tìm các mỏ dầu khí là một công việc cực kỳ mất nhiều thời gian.

Nếu làm một bài toán đơn giản, mỗi một lô thăm dò dầu khí của Việt Nam vào khoảng hơn chục ngàn km vuông, riêng chuyện chạy tàu để thu nổ địa chấn hết một lô cũng mất vài năm. Sau đó, các chuyên gia minh giải địa chấn vào cuộc, đọc hàng tấn tài liệu, thu thập vào máy tính lựa chọn ra những cấu tạo có khả năng là mỏ dầu. Tiếp đến là các chuyên gia thăm dò sẽ vào cuộc cùng các chuyên gia địa chất lựa chọn để khoan những mũi khoan tìm vỉa. “Tính giá trung bình mỗi mũi khoan thăm dò vào khoảng 20 triệu USD. Bởi vậy chỉ vài ba mũi khoan “trượt” thì chuyện cả trăm triệu USD sẽ “đổ sông đổ biển” theo đúng nghĩa đen.”, PVN cho biết.

Những doanh nghiệp nào còn trụ được ở Việt Nam?

Việc tìm ra mỏ dầu trên biển khơi mênh mông đã khó nhưng còn nan giải hơn nữa khi dự đoán trữ lượng; rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ giấc mơ kiếm “vàng đen” tại Việt Nam khi hầu hết các mỏ dầu khí tại Việt Nam đều “bị” xác định là mỏ có trữ lượng nhỏ, không có khả năng thu lợi cho nhà đầu tư.

Giá dầu lên xuống thất thường cũng là một rủi ro lớn đối với các nhà đầu tư dầu khí. Với giá dầu khoảng 50-60 USD/thùng thì dầu khai thác lên ngay lập tức bị thu các loại thuế, phí thì nhà đầu tư có nguy cơ lỗ vốn. PVN cho biết thêm, gần đây nhất là câu chuyện về mỏ Sông Đốc cách mũi Cà Mau khoảng 205 km về phía tây nam. Mỏ được đưa vào khai thác từ ngày 24/11/2008, được vận hành bởi Công ty Điều hành chung Trường Sơn (TS JOC). Với sự tham gia của các bên nhà thầu gồm Talisman (Canada) 30% và Petronas Carigali Overseas (Malayxia). Sau 5 năm vận hành và khai thác không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, TS JOC đã dừng dự án và bàn giao lại mỏ Sông Đốc cho Chính phủ Việt Nam từ cuối năm 2013.

Hiện nay, Việt Nam có trên 40 công ty dầu mỏ nước ngoài đang đầu tư vào các khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Trong đó chỉ có khoảng chục doanh nghiệp lớn còn trụ lại ở khâu đầu (thăm dò - khai thác dầu khí) như Chevron (Mỹ), KNOC (Hàn Quốc), Gazprom (Nga), Petronas (Malaysia), PTTEP (Thái Lan), Talisman và Repsol (Tây Ban Nha), ExxonMobil (Mỹ), Total và Neon Energy (Pháp).

Các công ty này phần lớn đầu tư dưới hình thức góp vốn với Việt Nam để thực hiện các hợp đồng dầu mỏ. Đặc biệt, Việt Nam còn ký kết hợp tác với Liên bang Nga để thành lập các công ty liên doanh với nhiệm vụ chính là thăm dò dầu mỏ tại Nga và Việt Nam. Với các hoạt động hợp tác này, 38 mỏ dầu khí trong tổng số hơn 100 phát hiện dầu khí đã được đưa vào khai thác.

Tài liệu cần xử lý của một lô dầu lên tới vài tấn

Mỗi một lô thăm dò dầu khí của Việt Nam vào khoảng hơn chục ngàn km vuông, riêng chuyện chạy tàu để thu nổ địa chấn hết một lô cũng mất vài năm. Sau đó, các chuyên gia minh giải địa chấn vào cuộc, đọc hàng tấn tài liệu, thu thập vào máy tính lựa chọn ra những cấu tạo có khả năng là mỏ dầu.

Nguồn tin: baophapluat.vn

ĐỌC THÊM