Người tiêu dùng trên toàn thế giới đã bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên toàn cầu và giá cả leo thang ở châu Âu và châu Á. Các hộ gia đình ở châu Âu đang phải trả hóa đơn khí đốt và điện cao hơn nhiều, trong khi gần một nửa người tiêu dùng Hoa Kỳ đang chuẩn bị đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng 30% vào mùa đông vì họ chủ yếu sử dụng khí tự nhiên để sưởi ấm.
Ảnh hưởng lên người tiêu dùng sẽ không dừng lại với hóa đơn năng lượng mùa đông cao hơn. Giá khí tự nhiên tăng cao cũng làm tăng giá thực phẩm và nhiên liệu toàn cầu. Cả hai đều được dự báo sẽ tăng vọt trong những tháng tới, một phần do tác động gián tiếp của giá khí đốt cao kỷ lục, vốn đang làm hạn chế sản lượng các thành phần quan trọng cho ngành công nghiệp thực phẩm và nông sản.
Jinjoo Lee của tờ Wall Street Journal đã viết trong một bài báo tuần này: “Mùa đông lạnh của năm nay có thể được cảm nhận rất xa, dài và rộng”.
Thật vậy, giá khí đốt tăng cao không chỉ trực tiếp làm tăng hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình. Chúng cũng đang gián tiếp tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, những tác động của nó có thể được cảm nhận trong năm tới. Đó là vì sản lượng phân bón giảm dẫn đến nguồn cung thắt chặt hơn và có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của nông dân về việc trồng loại cây nào trong năm tới nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí phân bón cao.
Vào giữa tháng 9, các công ty khổng lồ của châu Âu từ hóa chất, khai thác mỏ đến lĩnh vực thực phẩm cho biết giá khí đốt và điện cao ngất ngưởng đã tác động đến biên lợi nhuận của họ và buộc một số công ty phải cắt giảm hoạt động.
Sản lượng phân bón thấp hơn không chỉ khiến giá tăng cao mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm vì quá trình sản xuất amoniac và nitơ sinh ra một sản phẩm phụ là carbon dioxide (CO2). CO2 được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm để làm nước giải khát và trong việc đóng gói các loại thực phẩm dễ hỏng.
Ví dụ, CF Industries, một nhà sản xuất các sản phẩm hydro và nitơ, cho biết vào giữa tháng 9 rằng họ đang tạm dừng hoạt động tại cả hai cơ sở sản xuất Billingham và Ince ở Anh do giá khí đốt cao.
Nhà máy Billingham sản xuất carbon dioxide, vì vậy chính phủ Vương quốc Anh đã ký một thỏa thuận ngắn hạn với công ty sản xuất 60% CO2 của Vương quốc Anh, nhằm đảm bảo cung cấp liên tục cho các doanh nghiệp và tránh tình trạng thiếu lương thực.
Deepika Thapliyal tại Independent Commodity Intelligence Services (ICIS) cho biết hôm thứ Ba: “Giá khí tự nhiên tăng cao đã khiến các nhà máy phân bón phải đóng cửa và có những tác động trên diện rộng, không chỉ đối với ngành công nghiệp này, mà còn đối với nông dân và nguồn cung lương thực toàn cầu”.
“Giá năng lượng tăng mạnh, đặc biệt là than và khí đốt tự nhiên, đã làm tăng mạnh chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp, trong đó có phân bón, đã tăng hơn 55% kể từ tháng 01, khi một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng hoặc giảm công suất sản xuất”, Ngân hàng Thế giới cho biết trong Triển vọng Thị trường Hàng hóa tháng này.
Ngân hàng cho biết: “Nếu giá năng lượng và phân bón không ổn định trong năm tới như dự kiến, giá lương thực sẽ chịu áp lực tăng hơn nữa”.
Hiệp hội công nghiệp Fertilizers Europe cho biết vào đầu tháng này, tại châu Âu, “giá khí đốt cao đến nghẹt thở” đang khiến việc sản xuất amoniac và phân bón không có lãi.
Tổ chức này cho biết thêm: “Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ dẫn đến sản lượng phân bón của châu Âu thấp hơn và tình hình thị trường thắt chặt có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp của năm tới”.
Vào ngày 13 tháng 10, Ủy ban Châu Âu đã trình bày các giải pháp nhằm giải quyết giá năng lượng tăng cao, nhưng điều này “không giải quyết được cuộc khủng hoảng trước mắt”, Fertilizers Europe cho biết.
“Giá năng lượng tăng cao dẫn đến sản xuất phân bón giảm, chi phí đầu vào cho người nông dân cao hơn và giá lương thực tăng đột biến. Nhưng ngành phân bón không chỉ là thức ăn cho cây trồng. Ngành công nghiệp của chúng tôi còn nhà cung cấp chính AdBlue cho các loại xe tải hạng nặng, cung cấp CO cho ngành công nghiệp thịt và nước giải khát, Jacob Hansen, Tổng giám đốc tại Fertilizers Europe, cho biết.
Về phần mình, Trung Quốc được cho là đã bắt đầu hạn chế, hoặc ít nhất là giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu phân bón, điều này cũng làm khan hiếm nguồn cung toàn cầu và có thể dẫn đến có thêm nhiều cú sốc giá lương thực.
Các nhà phân tích nhận định, nguồn cung phân bón toàn cầu thắt chặt cũng sẽ ảnh hưởng tới nông dân Hoa Kỳ. Cây ngô, lúa mì và yến mạch nhạy cảm với lượng phân bón được sử dụng. Chẳng hạn, ngô có giá đắt hơn và nguồn cung khan hiếm sẽ làm tăng giá ethanol dùng để pha vào xăng theo Tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo của Hoa Kỳ (RFS).
Nói chung, giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục sẽ làm tăng hóa đơn sưởi ấm vào mùa đông này, giá bít-tết vào mùa xuân năm sau và giá nhiên liệu vào mùa hè năm tới.
Nguồn tin: xangdau.net