Trong một động thái chính thức nhằm hỗ trợ “sự ổn định của thị trường dầu mỏ”, đợt cắt giảm sản lượng mới nhất từ OPEC+ đã khiến thị trường bất ngờ và gây thiệt hại cho những người bán khống.
Trong bối cảnh bán tháo sau những lo lắng về ngành ngân hàng vào tháng trước, các quan chức hàng đầu của OPEC+ đã dành nhiều tuần để trấn an những người tham gia thị trường rằng giá dầu lao dốc không dẫn đến bất kỳ điều chỉnh nào đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Cho đến khi họ quyết định làm như vậy.
Một ngày trước cuộc họp hội đồng OPEC+ theo định kỳ, các nhà sản xuất lớn nhất của OPEC ở Trung Đông và một số thành viên khác trong hiệp ước OPEC+ đã công bố vào Chủ nhật tổng mức cắt giảm sản lượng mới 1,16 triệu thùng/ngày, bên cạnh mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày hiện tại của Nga, được gia hạn cho đến cuối năm nay.
Theo đó, Ả Rập Saudi sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày và nói rằng động thái này là “một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.
Thông báo được đưa ra khi thị trường đóng cửa, và OPEC+ chắc chắn đã đặt cược vào việc giá dầu sẽ tăng vọt vào thời điểm thị trường mở cửa trở lại. Và đúng là như thế, dầu tăng vọt 6 đô la một thùng vào sáng thứ Hai sau thông báo này, mức tăng trong một ngày lớn nhất trong hơn một năm qua.
Ngoài việc tìm cách đặt mức giá sàn 80 đô la cho dầu thô Brent, liên minh này đã thực hiện theo lời cam kết của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman từ năm 2020 rằng, “Tôi đảm bảo rằng bất kỳ ai đặt cược vào thị trường này sẽ thất bại ê chề”.
Dữ liệu gần đây nhất từ các sàn giao dịch cho thấy một đợt mua lớn bù lại số hợp đồng đã bán khống (short covering) và một đợt mua mới đối với hợp đồng dầu tương lai trong hai ngày sau khi OPEC+ cho biết sẽ rút bớt hơn 1 triệu thùng/ngày nữa trên thị trường trong thời gian còn lại của năm.
Các nhà quản lý tiền tệ đã mua số lượng tương đương 128 triệu thùng trong 6 hợp đồng quyền chọn và tương lai xăng dầu quan trọng nhất trong tuần tính đến ngày 4 tháng 4, với việc mua tập trung chủ yếu vào dầu thô kỳ hạn Brent và WTI, theo dữ liệu từ các sàn giao dịch do John Kemp, nhà phân tích thị trường của Reuters, tổng hợp.
Vị thế bán đối với dầu Brent đã bị cắt giảm tới 46% trong tuần tính đến ngày 4 tháng 4, mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong dữ liệu đặt cược giá giảm kể từ năm 2011, theo ước tính của Bloomberg.
Với thông báo cắt giảm bổ sung, OPEC+ đã điều chỉnh lại vị thế của quỹ phòng hộ về mức từ cuối tháng 1, trước khi xảy ra suy thoái kinh tế và những lo ngại của ngành ngân hàng khiến giá dầu xuống dưới 80 USD/thùng về mức thấp nhất trong 15 tháng.
Sự kết hợp giữa vị thế mua mới và vị thế short covering đã thúc đẩy vị thế mua ròng – chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống - trong cả hai hợp đồng dầu thô.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết hôm thứ Ba, khi bình luận về báo cáo số lượng giao dịch của các nhà đầu tư (COT) trong tuần tính đến ngày 4 tháng 4, việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ đã kích hoạt đợt mua lớn nhất đối với các hợp đồng tương lai dầu thô WTI và Brent kể từ tháng 12 năm 2016.
Hansen cho biết các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tiền tệ khác “đã buộc phải mua lại sau khi OPEC+ làm thị trường chao đảo với thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ”.
“Trong tuần tính đến ngày 4 tháng 4, và đặc biệt là vào thứ Hai tuần trước, ngày 3 tháng 4, các quỹ phòng hộ đã trở thành những người mua tích cực, do đó đã thúc đẩy vị thế mua ròng của họ với số lượng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2016.”
Hansen lưu ý rằng việc mua dầu Brent - với 29.000 hợp đồng short covering cộng với 44.000 hợp đồng mua mới - là mức tăng hàng tuần cao thứ hai được ghi nhận, trong khi lượng mua ròng của WTI tăng chủ yếu là do short covering.
Tuy nhiên, thị trường có thể có nguy cơ điều chỉnh do thực tế là dầu đã được giao dịch trong một phạm vi rất hẹp và không có hoạt động mua tiếp theo kể từ đợt tăng giá ngày 3 tháng 4, ông bình luận.
Trong bối cảnh khối lượng giao dịch thấp hơn bình thường do nghỉ lễ Phục sinh trong những ngày gần đây, thị trường hiện đang chờ đợi tin tức về triển vọng nhu cầu.
Nguồn tin: xangdau.net