Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các trader kiểm tra thử quyết tâm “làm bất cứ điều gì” của OPEC để bảo vệ giá dầu


Khi Saudi Arabia cam kết hồi tháng 5 rằng sẽ “làm bất cứ điều gì” để bảo vệ giá dầu thế giới, họ không mong đợi thị trường sẽ kiểm tra quyết tâm của họ chỉ một tháng sau đó.


Khi OPEC mở rộng cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu đã rớt 18% chỉ trong 20 ngày. Các thành viên của OPEC dường như kiên quyết không vội vã cắt giảm sâu hơn bất chấp áp lực của thị trường.


Các trader đã lờ đi những tin tức lạc quan cho giá, trong đó có sự sụt giảm lượng dầu dự trữ ở Mỹ hôm thứ Tư, thay vào đó lại tập trung vào các yếu tố tiêu cực như tình trạng thừa cung dai dẳng trên toàn cầu.


Kết quả là, thị trường dầu mỏ đã có kết quả tồi tệ nhất trong sáu tháng đầu năm trong hai thập kỷ qua, phát đi tín hiệu cho thấy sự từ chối chấp nhận tính hiệu quả của tuyên bố OPEC và mong muốn cắt giảm sản xuất hơn nữa.


Lời cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" được đưa ra bởi Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút Khalid al Falih tại một cuộc họp ở Kuala Lumpur vào đầu tháng 5, làm nhớ lại lời hứa của chủ ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi 5 năm trước trong cuộc chiến thành công của ông để bảo vệ đồng euro.


Bob McNally, Chủ tịch Tập đoàn Rapidan, một hãng tư vấn chính sách và thị trường năng lượng có trụ sở ở Washington cho biết: "Anh không thể chống lại Cục Dự trữ Liên bang nhưng anh có thể chiến đấu với OPEC. Ai đó trong OPEC phải cắt giảm thêm nhưng không ai sẵn sàng".


Sự sụt giảm giá dầu và khả năng bảo vệ giá của Ả Rập Saudi cũng hướng sự chú ý tới vị vua tương lai của Ả-rập Xê-út, Thái tử Mohammed bin Salman, người hôm thứ Tư đã được vua Salman sắc phong kế vị.


Thái tử Mohammed là người đưa ra quyết định chính sách năng lượng Saudi cuối cùng trong hai năm qua và chiến lược của ông đã chuyển từ tăng sản lượng dầu để bảo vệ thị phần của OPEC sang kiềm chế sản lượng nhằm thúc đẩy giá.


Falih cùng với các Bộ trưởng và quan chức khác của OPEC cho hay, nhóm sẽ không vội vàng cắt giảm sản lượng sâu hơn từ mức 4% hiện tại để ngăn giá giảm.


Họ cho biết nhóm muốn đợi cho đến khi các đợt cắt giảm hiện tại với các nước ngoài OPEC như Nga cuối cùng dẫn đến tồn kho toàn cầu giảm trong quý thứ ba khi nhu cầu dầu thô thường tăng mạnh.


Các nguồn tin OPEC và Nga cũng trao đổi với Reuters rằng có ít dấu hiệu cho thấy nhóm này đang chuẩn bị bất kỳ hành động khác thường nào trước cuộc họp của ủy ban giám sát cấp Bộ trưởng ở Nga vào cuối tháng 7.


"Chúng tôi đang thảo luận với các thành viên OPEC để chuẩn bị cho một quyết định mới", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh, cho biết hôm thứ Tư. "Nhưng việc đưa ra quyết định trong tổ chức này là rất khó vì bất kỳ quyết định nào cũng có nghĩa là các thành viên phải cắt giảm sản lượng", ông nói thêm.


Giá dầu tăng vào cuối thập kỷ qua và đã làm thúc đẩy nhiều dự án sản xuất dầu trên toàn thế giới, trong đó có dầu đá phiến của Mỹ, dẫn đến tình trạng thừa cung trên phạm vi toàn cầu khiến giá giảm từ 120 USD/ thùng vào năm 2014 xuống dưới 30 USD/ thùng trong năm ngoái.


OPEC và Nga đã cố gắng bình ổn giá với những đợt cắt giảm giữ giá quanh mức 50 đến 60 USD/thùng, nhưng trong tuần này, giá Brent đã giảm xuống 44 USD/thùng do lo lắng thừa cung kéo dài.


Các trader và nhà đầu tư đã tăng đặt cược rằng giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực. Thị trường dầu thô Mỹ cho thấy sự thay đổi lớn nhất kể từ cuộc họp của OPEC trong việc nắm giữ các công cụ tài chính phái sinh đáo hạn vào tháng 12 năm nay được bán ra với giá 45 USD/thùng.


Hợp đồng mở, là tổng số hợp đồng mở vị thế mà chưa thanh lý hoặc chưa đến hạn giao đối với thị trường kỳ hạn hoặc thị trường quyền chọn, đã tăng thêm hơn 5.000 lô trong tháng trước lên gần 38.000 lô, tương đương với 38 triệu thùng dầu.


Sự trở lại toàn lực của dầu đá phiến


Mỹ không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận giảm cung nào và dự kiến sẽ tăng sản lượng lên tới một triệu thùng mỗi ngày hoặc gần 10 phần trăm tổng sản lượng dầu của cả nước.


Trừ khi OPEC cắt giảm sâu hơn hoặc có một sự gián đoạn sản xuất lớn bất ngờ, nếu không giá sẽ vẫn ở mức thấp.


Nigeria và Libya cũng tăng mạnh sản lượng trong những tháng gần đây. Hiện tại cả hai nước này được miễn trừ khỏi hiệp ước cắt giảm sản xuất.


Những sai lầm trong quá khứ


Ảrập Xêút, có chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới, đã nhiều lần lên tiếng rằng đã học được từ những sai lầm của chính mình trong quá khứ, khi nước này cắt giảm mạnh sản xuất trong những năm 1980 để vực giá lên nhưng đã để mất thị phần vào tay đối thủ.


Đầu năm nay, các quan chức Ả Rập Saudi nói với các công ty dầu mỏ độc lập hàng đầu của Mỹ trong một cuộc họp kín rằng họ không nên cho rằng OPEC sẽ mở rộng cắt giảm để bù đắp sự gia tăng sản lượng của Mỹ.


Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA, nói rằng sự lựa chọn khác của OPEC là cho phép giá dầu giảm xuống mức mà thậm chí "ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ cũng phải chật vật để hòa vốn".


Điều đó có lẽ không còn xa khi giá tiến sát mức chi phí của các máy công ty khoan đá phiến ở Mỹ.


Tại Bakken, các giếng khoan hoàn thành trong giai đoạn 2016-2017, giá hoàn vốn bình quân khoảng 38 USD/thùng.


Bên cạnh việc theo sát các mô hình sản xuất của đối thủ, OPEC cần phải chú ý đến nhu cầu toàn cầu.


Trong khi các cơ quan dự báo lớn trong đó có Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,5% trong năm tới, thì có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ở các trung tâm lớn của châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, hai động lực tăng trưởng nhu cầu trong những năm gần đây.


Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM