Trong khi thị trường dầu mỏ suy đoán về việc liệu OPEC + có nới lỏng cắt giảm sản lượng vào tháng 01 hay không trong bối cảnh nhu cầu trì trệ, thì có nhiều tin đồn xuất hiện hôm thứ Năm rằng ba nhà sản xuất lớn nhất OPEC đứng sau Ả Rập Xê-út có thể sẽ không gia hạn mức cắt giảm hiện tại vào năm tới.
Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait - ba nhà sản xuất OPEC lớn nhất sau Ả Rập Xê-út - được cho là không có khuynh hướng ủng hộ việc duy trì mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày, vì mức cắt giảm như vậy là quá sâu để giữ vững nền kinh tế và thu nhập ngân sách của họ. Tin tức này đến từ Reuters hôm thứ Năm, trích dẫn các nguồn tin trong ngành và OPEC.
Các nguồn tin trong OPEC nói với Reuters rằng hai nhà lãnh đạo của hiệp ước OPEC + là Ả Rập Xê-út và Nga sẽ có xu hướng ủng hộ việc duy trì mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021, thay vì tăng thêm 2 triệu thùng/ngày như đã thống nhất trong hiệp ước OPEC + hiện tại.
OPEC và các đối tác do Nga dẫn đầu có thể sẽ xem xét "nhiều vấn đề về nhu cầu" trước khi nới lỏng cắt giảm, một giám đốc điều hành cấp cao của Saudi Aramco cho biết trong tuần này, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết ông không loại trừ việc OPEC + trì hoãn việc nới lỏng cắt giảm, hoặc thậm chí cắt giảm thêm.
Tuy nhiên, UAE và Kuwait - hai quốc gia thường đi theo Ả Rập Xê-út khi nói đến các thỏa thuận và tuân thủ cắt giảm - cũng như Iraq, được cho là không sẵn sàng ủng hộ việc duy trì mức cắt giảm sâu.
Một nguồn tin OPEC nói với Reuters: “Các quốc gia đang cảm thấy ngột ngạt với những mức cắt giảm đó, cũng rất khó để tiếp tục với chúng trong năm tới.”
Việc ba nhà sản xuất lớn nhất của OPEC đứng sau Ả Rập Xê-út không đồng ý tiếp tục cắt giảm sâu có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến căng thẳng mới trong nhóm và OPEC +, và tạo ra kịch tính mới khi liên minh họp vào cuối năm nay để thiết lập đường lối cho năm 2021.
Nguồn tin: xangdau.net