Kết quả kinh doanh quý III của các tập đoàn dầu khí lớn tiếp tục lỗ, nhưng đã le lói hy vọng lãi trở lại; chuyển đổi là lựa chọn sống còn của ngành dầu khí toàn cầu.
Shell ghi nhận lợi nhuận quý 3 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 955 triệu USD, tuy nhiên, con số này cao gấp 5 lần dự báo, đồng thời công ty cũng tuyên bố điều chỉnh tăng cổ tức sau khi lần đâu tiên cắt giảm từ năm 1940 trong quý 2 vừa qua.
Tính chung 9 tháng đầu năm, công ty lỗ ròng 17,67 tỷ USD so với lãi 14,9 tỷ USD năm ngoái, doanh thu giảm 50% xuống còn 138,2 tỷ USD. Shell có lãi quý 3 nhờ lợi nhuận của bộ phận tiếp thị tăng 10% lên 1,6 tỷ USD, bao gồm cả mạng lưới cây xăng bán lẻ lớn nhất thế giới bất chấp nhà kinh doanh LNG hàng đầu thế giới phải xóa sổ khoản đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD tại dự án LNG Prelude - Úc. Hoạt động E&P đem lại khoản lỗ 884 triệu USD, sản lượng khai thác trung bình đạt 3,081 triệu boe/d (-13,5%), lĩnh vực downstream ghi nhận lợi nhuận 1,68 tỷ USD (-16%), khối lượng sản phẩm tinh chế trung bình đạt 4,74 triệu bpd.
Nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng đạt mốc trung hòa khí thải vào năm 2050, Shell hiện đang tham gia vào khai thác và chế biến dầu khí tại 70 quốc gia sẽ cắt giảm số lượng nhà máy lọc dầu trong thời gian tới từ 14 đơn vị xuống còn 6 khuôn viên phức hợp năng lượng - hóa chất.
Sinopec công bố lợi nhuận quý 3 đạt 6,9 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2019 sau khi bị lỗ 3,24 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, công ty đạt được lợi nhuận nhờ vào việc bán tài sản midstream cho công ty PipeChina, ghi nhận gần 5,5 tỷ lợi nhuận.
Tính chung cả 3 quý đầu năm, công ty đã có lãi ròng 3,67 tỷ USD (lỗ 1,53 tỷ USD nếu loại trừ bán tài sản), doanh thu giảm 30% xuống còn 231,5 tỷ USD. Riêng trong quý 3, lĩnh vực upstream đóng góp gần 2 tỷ USD lợi nhuận hoạt động trước thuế, tinh chế 4,7 tỷ USD.
Khối lượng tinh chế tăng gần 2% so với năm ngoái lên trung bình 5,07 triệu bpd, đồng thời tăng 11% so với quý 2 nhờ đưa nhà máy lọc dầu Trạm Giang công suất 200.000 bpd ở tỉnh Quảng Đông vào hoạt động. Cùng kỳ, sản xuất xăng đạt 15,64 triệu tấn (1,44 triệu bpd), diesel 17,39 triệu tấn (1,41 triệu bpd) xăng máy bay 430.000 bpd. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Sinopec khai thác được 28,74 triệu tấn dầu thô nội địa (770.000 bpd) và khoảng 21,6 tỷ m3 khí đốt (80 triệu m3/ngày).
BP đã có lãi trước thuế 100 triệu USD trong quý 3 (cao hơn dự đoán lỗ 120 triệu USD) nhờ giá dầu thế giới tăng, tuy nhiên, biên độ lợi nhuận lĩnh vực tinh chế vẫn ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý 3 vẫn âm 450 triệu USD giảm đáng kể so với lỗ 6,7 tỷ USD quý 2, tính chung 9 tháng đầu năm 2020, BP ghi nhận khoản lỗ lên tới 21,66 tỷ USD so với lợi nhuận 4 tỷ USD cùng kỳ năm 2019, doanh thu giảm 1,6 lần xuống còn 134,93 tỷ USD, sản lượng khai thác bình quân đạt 3,54 triệu boe/d (5,7% so với năm ngoái), tỷ lệ đóng góp của Rosneft khoảng 1,09 triệu boe/d. Đáng chú ý, BP ghi nhận khoản thua lỗ 244 triệu USD từ việc nắm giữ 19,75% cổ phần Rosneft trong quý 3, như vậy, nhiều khả năng KQKD quý 3 của Rosneft sẽ lỗ trên 1,23 tỷ USD.
Total tuyên bố từ chối quyền điều hành 5 lô thăm dò nhạy cảm với môi trường khu vực đồng bằng sông Amazon vào tháng trước, ngày 26/10 BP cũng đã chuyển giao quyền điều hành cho đối tác duy nhất còn lại tiếp quản - Petrobras. Total và BP đấu giá thành công các lô FZA-M-57, FZA-M-86, FZA-M-88, FZA-M-125 và FZA-M-127 vào năm 2013 liên doanh cùng Petrobras với tỷ lệ cao nhất thuộc về Total - 40%, hai đối tác còn lại đều 30%. Tuy nhiên, việc xin cấp giấy phép khoan đã gặp kho khăn do sự phản đối của các tổ chức môi trường sau khi phát hiện ra một rạn san hô chưa từng được biết đến trước đây trong vùng nước đục khu vực đồng bằng sông Amazon. Total đã nỗ lực để thực hiện khoan 7 giếng thăm dò nhưng đều không được cơ quan quản lý môi trường Brazil - IBAMA phê duyệt.
Total đã phát hiện mỏ condensats lớn ở Lô 11B/12B trong lưu vực Outeniqua, cách bờ biển phía nam Nam Phi 175 km, gần với một phát hiện khác được thực hiện vào năm ngoái - tập đoàn dầu khí Pháp cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 28/10. Lô 11B/12B do Total quản lý với 45% cổ phần, cùng với Qatar Petroleum (25%), Canada CNR International (20%) và Main Street, một tập đoàn Nam Phi (10%). Hiện Total còn phải kiểm tra để đánh giá các đặc tính của bể chứa và khả năng sản xuất condensats.
Equinor cho biết trong 3 tháng qua họ lỗ ròng 2,13 tỷ USD so với 1,11 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm 2,93 tỷ USD tiền giảm giá trị tài sản, gần một nửa ở Hoa Kỳ, liên quan đến sự sụt giảm giá dầu khí dự kiến trong tương lai.
Thu nhập hoạt động được điều chỉnh của Equinor thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, ở mức 780 triệu USD. Các nhà phân tích dự kiến 1,03 tỷ USD.
Giống như các đối thủ cạnh tranh, Equinor đang phải hứng chịu sự sụt giảm nhu cầu vàng đen trên khắp thế giới do cú sốc kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 và nguồn cung vẫn dồi dào bất chấp nỗ lực của các nước OPEC và các đối tác hạn chế sản xuất.
Mức tăng 4% sản lượng, tương đương gần 2 triệu thùng dầu, không đủ để bù đắp mức giảm 27% của giá dầu so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình ở mức 38,3 USD thùng.
Doanh thu trong quý 3 vừa qua của Equinor giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,34 tỷ USD. Mặc dù vậy, Equinor vẫn giữ nguyên dự báo đưa ra trong quý 2, cụ thể là khoản đầu tư 8,5 tỷ USD trong năm nay, khoảng 10 tỷ USD trong năm tới, sau đó là 12 tỷ USD trong 2 năm tiếp theo. Tập đoàn cũng cho biết vẫn kỳ vọng tăng sản lượng trung bình 3% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2026.
Repsol lỗ ròng 94 triệu euro trong quý 3 do thị trường ảm đạm bởi đại dịch virus corona, tuy nhiên đây đã là sự hạn chế thiệt hại lớn sau khoản lỗ 1,9 tỷ euro trong quý 2. Thu nhập ròng đã điều chỉnh của Repsol đạt 7 triệu euro trong quý 3. Trong 9 tháng đầu năm 2020, khoản lỗ ròng lên tới gần 2,6 tỷ euro, do điều chỉnh giảm giá trị hàng tồn kho và tài sản thăm dò và sản xuất, quyết định được thực hiện trong quý 2.
Bộ phận thăm dò và sản xuất ghi nhận thu nhập ròng đã điều chỉnh là 51 triệu euro, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi bộ phận công nghiệp (lọc dầu) bị lỗ 67 triệu euro.
Để đối mặt với cuộc khủng hoảng, Repsol đã đưa ra một "kế hoạch phục hồi", thông qua đó họ dự định giảm 500 triệu euro chi phí hoạt động và giảm 1,2 tỷ euro đầu tư.
Tập đoàn đang cố gắng đa dạng hóa sang năng lượng tái tạo, đã kiếm được 169 triệu euro trong lĩnh vực này trong quý 3. Repsol cam kết giảm phát thải khí nhà kính xuống 0 vào năm 2050. Tập đoàn đang phát triển một số dự án trang trại điện gió và quang điện ở Tây Ban Nha, cũng như ở Chile.
Petrobras hôm thứ Tư (28/10) thông báo rằng họ đã giảm lỗ trong quý 3 năm 2020, tuy nhiên, đây là quý thứ ba liên tiếp công ty có kết quả tiêu cực, hậu quả của sự suy giảm nhu cầu toàn cầu do đại dịch virus corona.
Petrobras đã làm ăn thua lỗ lên tới 1,55 tỷ real (236 triệu USD) từ tháng 7 đến tháng 9/2020, so với lợi nhuận ròng là 2,29 tỷ USD một năm trước đó, tuy nhiên, đây đã là một sự cải thiện so với khoản lỗ 417 triệu USD trong quý 2 và đặc biệt là 9,71 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay.
Theo tập đoàn nhà nước Brazil, khoản lỗ trong quý 3 được giải thích là do chi phí tài chính và phí không định kỳ, trong khi doanh thu bán dầu và các sản phẩm phái sinh tăng chỉ bù đắp một phần.
Petrobras cũng nhấn mạnh rằng, trong quý 3 công ty đã có "mức xuất khẩu cao" không đổi, đặc biệt là nhờ nhu cầu của Trung Quốc có khối lượng đơn hàng "đạt mức trước Covid".
Tập đoàn này cho đây là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 100 năm qua" đối với lĩnh vực dầu mỏ.
Chevron đã cắt giảm 50% vào lĩnh vực dầu đá phiến xuống còn khoảng 2 tỷ USD trong năm 2020, giảm số giàn khoan hoạt động từ 16 xuống còn 4 đơn vị trong tháng 9.
Nhằm triển khai kế hoạch và củng cố vị thế tại Trung Đông, Chevron đã thâu tóm thành công Noble Energy sở hữu 40% mỏ khí Leviathan (Israel, có trữ lượng trên 450 tỷ m3) với giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực đông Địa Trung Hải đang trở thành tâm điểm tranh chấp ảnh hưởng - tài nguyên giữa Hy Lạp, Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi rủi ro liên quan đến bất ổn từ phía Syria, Yemen và Iran vẫn ở mức cao.
Nguồn tin: Năng lượng quốc tế