Nhờ cắt giảm mạnh chi phí đầu tư, đa dạng hóa các dự án và đẩy mạnh phát triển các mảng kinh doanh hóa dầu, khí đốt, các ông lớn dầu khí trên toàn cầu đang trỗi dậy mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014-2015, theo hãng tin Bloomberg.
Mức chi tiêu của tám tập đoàn dầu khí tích hợp lớn nhất thế giới (ExxonMobil, Shell, Chevron, Total, BP, Eni, ConocoPhillips và Equinor) đã giảm về mức 118 tỉ đô la vào năm ngoái, giảm 45% so với mức 215 tỉ đô la vào năm 2013. Ảnh: Bloomberg
Khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu vào năm 2014 khiến thị trường dầu sụp đổ sau đó, hầu hết các chuyên gia tin rằng ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ sẽ bị bức tử.
Trên thực tế, các ông lớn dầu khí truyền thống mới là phía bị tổn thương nặng nề nhất do gánh nặng chi phí đầu tư khổng lồ ở các siêu dự án. Các tập đoàn dầu khí toàn cầu như Chevron (Mỹ), BP (Anh), ExxonMobil (Mỹ) đã phải xoay sở thích nghi với kỷ nguyên giá dầu thấp bằng cách cắt giảm chi phí và quan trọng hơn, họ đã tìm ra con đường để trỗi dậy trở lại.
Trong một ngành công nghiệp chuộng các giải pháp tùy biến cho mọi dự án, các tập đoàn dầu khí bắt đầu đề cập đến tiêu chuẩn hóa.
Tại các cuộc họp kín hàng năm ở Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, lãnh đạo của các ông lớn dầu khí không lãng phí thời gian cho những cuộc trao đổi về các chủ đề trọng đại của kinh tế toàn cầu, thay vào đó họ thảo luận cách để chia sẻ các thiết kế từ hệ thống bơm cho đến van dưới biển.
Gần năm năm sau cú sụp đổ giá dầu vào năm 2014, các tập đoàn dầu khí toàn cầu đã tái cài đặt mô hình kinh doanh cho phép họ kiếm lợi nhuận vào thời điểm hiện nay tương đương mức lợi nhuận họ thu được lúc mà giá dầu trên mức 100 đô la Mỹ/thùng.
Michele Della Vigna, nhà phân tích hàng đầu về ngành dầu khí ở Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định các ông lớn dầu khí đang trỗi dậy mạnh mẽ sau cú sụp đổ của thị trường dầu nhờ cắt giảm chi phí. Mức chi tiêu của tám tập đoàn dầu khí tích hợp (thăm dò, khai thác, lọc và phân phối) lớn nhất thế giới đã giảm về mức 118 tỉ đô la vào năm ngoái, giảm 45% so với mức 215 tỉ đô la vào năm 2013.
Điều quan trọng hơn mô hình kinh doanh của họ cũng thay đổi mạnh mẽ trong quá trình cắt giảm chi tiêu. Họ giảm phụ thuộc vào các siêu dự án ở các khu vực xa xôi trên thế giới và rót hàng tỉ đô la vào khu vực bồn chảo Permian nằm giữa bang Texas và bang New Mexico, trung tâm dầu đá phiến của nước Mỹ.
Chevron và ExxonMobil đang đặt cược lớn vào các giếng dầu đá phiến ở vùng bồn chảo Permian nằm giữa bang Texas và bang New Mexico (Mỹ). Ảnh: Bloomberg
Hai tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ ExxonMobil và Chevron dự kiến khai thác tổng cộng hai triệu thùng dầu mỗi ngày từ vùng Permian, cao hơn 60% so với mức dự báo trước đây. Sản lượng dầu đá phiến ở Permian được dự báo đạt 4 triệu thùng/ngày trong năm nay. Điều này có nghĩa là khu vực này, nếu được xem là một nước của OPEC, sẽ là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của tổ chức này, chỉ sau Saudi Arabia và Iraq.
Kỷ nguyên mới của một số ông lớn dầu khí toàn cầu mở ra nhờ kết hợp các dự án khai thác dầu đá phiến của Mỹ với các dự án khai thác dầu truyền thống với quy mô lớn hơn. Có thể xem đây là một mô hình lấy ngắn nuôi dài vì một số dự án dầu đá phiến thu hồi vốn rất nhanh, đôi khi chỉ trong vòng từ 2-3 năm, trong khi đó thời gian này ở các dự án dầu truyền thống có khi dài hơn 10 năm.
Chervon cho biết lợi nhuận ở mảng đầu tư dầu đá phiến của tập đoàn này giờ đây ở mức hơn 30% dù giá dầu xuống thấp, trong khi đó, ExxonMobil khẳng định vẫn kiếm lợi nhuận 10% với mảng dầu đá phiến dù giá dầu xuống 35 đô la/thùng.
Nhà nghiên cứu ngành dầu khí Daniel Yergin nói: “Các ông lớn dầu khí toàn cầu giờ đây muốn một danh mục đầu tư đa dạng kết hợp các dự án ngắn hạn và dài hạn. Trước thời điểm cuộc khủng giá dầu 2014-2015, khái niệm các dự án dầu ngắn hạn không tồn tại ở các ông lớn dầu khí”.
Các chiến lược khác của các ông lớn dầu khí bao gồm phát triển các dự án mới gần các dự án đang tồn tại và tái sử dụng hạ tầng cũ để giảm chi phí. Họ cũng đẩy mạnh các hoạt động khác bao gồm đầu tư vào các nhà máy hóa lọc dầu, mảng kinh doanh vẫn duy trì lợi nhuận ngay cả khi giá dầu thấp.
Một sự thay đổi quan trọng khác là các ông lớn dầu khí đang ưu tiên đầu tư cho các dự án khí đốt, mảng kinh doanh đang tạo ra lợi nhuận tốt hơn và có triển vọng hơn trong dài hạn. Tập đoàn dầu khí Shell (Anh - Hà Lan) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong giai đoạn cuối thập niên 2020 và cuối thập niên 2040 khi xe điện ngày càng được phổ cập. Khí đốt có triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt khi nó có thể chuyển thành dạng hóa lỏng giúp dễ dàng vận chuyển.
Các tập đoàn dầu khí toàn cầu như Shell, BP đã gia tăng công suất khí đốt trong những năm gần đây. Năm 2016, Shell bỏ ra hơn 50 tỉ đô la để thâu tóm tập đoàn dầu khí BG Group lúc mà giá dầu và khí đốt chạm đáy và thương vụ này chủ yếu là nhắm đến các tài sản khí đốt của BG Group.
BP cũng đang mở rộng mảng kinh doanh khí đốt tự nhiên. Đến năm 2020, cơ cấu sản xuất BP sẽ là 60% khí đốt và 40% dầu, đảo ngược so với thời điểm năm 2014, khi dầu chiếm 60% trong cơ cấu sản xuất. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Chevron đã đưa vào hoạt động hai dự án sản xuất LNG khổng lồ ở Úc, còn ExxonMobil cũng đang đầu tư cho các dự án sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Mozambique và đảo quốc Papua New Guinea.
Dù cắt giảm chi tiêu và giá dầu xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm trước năm 2014, tỉ lệ sinh lợi của các ông lớn dầu khí vẫn không bị tổn thương. Năm ngoái, tỉ lệ lợi nhuận trên lượng vốn đã sử dụng (ROCE) của các hãng dầu lớn trên toàn cầu đạt mức 8,7% cao hơn mức 8,4% vào năm 2014; trong khi đó, tỉ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE) của họ cũng tăng lên mức 11,6%, mức cao nhất trong sáu năm qua.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn