Nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, Ả Rập Xê-út, không chỉ nghĩ đến thị trường dầu mỏ toàn cầu khi họ duy trì mức cắt giảm sản lượng bổ sung cho tới tháng Tư và yêu cầu các thành viên của liên minh OPEC + giữ tổng sản lượng của họ về cơ bản không đổi vào tháng tới, với mức tăng nhỏ đối với Nga và Kazakhstan. Ả Rập Xê Út, cũng như các nhà sản xuất dầu thô khác ở Trung Đông, có lẽ cũng đang nghĩ đến ngân sách và tài khoản vãng lai của họ, vốn cần giá dầu cao để phục hồi sau thâm hụt lớn và doanh thu từ dầu thấp từ năm ngoái, khi nhu cầu và giá sụt giảm làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ nhiều hơn các nước không xuất khẩu dầu trong thời kỳ đại dịch.
Trong khi hướng tới mục tiêu thắt chặt hơn nữa thị trường dầu, thì nhóm OPEC + và các thành viên OPEC hàng đầu ở Vịnh Ả Rập cũng đang bù đắp khoản thiếu hụt từ năm 2020, khi giá dầu Brent gần chạm mốc 70 USD/thùng.
Giá dầu cao hơn đang làm giảm nhu cầu vay của chính phủ các nước sản xuất dầu thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) —Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Năm ngoái, các đợt phát hành trái phiếu ở Trung Đông đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 100 tỷ USD. Chính phủ các nước đã vội vã tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sau khi giá dầu sụp đổ vào tháng 3 năm 2020. Nhưng các biện pháp này không đủ để ngăn chặn thiệt hại, vì vậy các nhà sản xuất phải gánh thêm nợ nần để trang trải chi tiêu của chính phủ, ngay cả khi mức chi tiêu đó đã giảm so với những năm trước.
Nếu giá dầu duy trì ở quanh mức hiện tại trong vòng 3 năm tới, thì các nhà sản xuất dầu của GCC sẽ cắt giảm đáng kể nhu cầu vay tiền trên thị trường nợ, nhà kinh tế Farouk Soussa của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo mới do Bloomberg trích dẫn.
Theo ông Soussa, dầu đạt trung bình 65 USD/thùng trong ba năm tới, nếu không có gì thay đổi, sẽ làm giảm nhu cầu vay vốn xuống chỉ còn 10 tỷ USD, so với 270 tỷ USD.
Giá dầu hiện tại gần 70 USD là tin tốt cho Ả Rập Xê Út và về cơ bản là cho mọi quốc gia sản xuất dầu trên thế giới, vì nó sẽ thúc đẩy doanh thu từ dầu mỏ vốn đã bị suy giảm vào năm ngoái. Chẳng hạn như, Ả Rập Xê-út được cho là sẽ thấy doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm 27,5 tỷ USD vào năm 2020, chính Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman cho biết vào tháng 11, thừa nhận rằng thu nhập từ dầu mỏ không đủ để trang trải hóa đơn tiền lương của Vương quốc.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy — và đạt được — gia hạn cắt giảm hiện tại của OPEC+ vào tháng Tư, hoặc ít nhất là cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi nhu cầu dầu.
Một thị trường quá thắt chặt sẽ hỗ trợ giá dầu cao hơn, ít nhất là trong vài tháng, cho đến khi giá dầu cao có khả năng bắt đầu lu mờ những gì OPEC + vẫn coi là sự phục hồi nhu cầu toàn cầu mong manh, hoặc cho đến khi đá phiến của Mỹ, đặc biệt là các hãng khai thác tư nhân, trở nên quá cám dỗ để thúc đẩy sản lượng và doanh thu từ dầu mỏ.
Các dấu hiệu đã bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới - rằng giá dầu cao đang làm chậm lại sự phục hồi của nhu cầu sau khi giá dầu thô tăng khiến giá xăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây.
Hơn nữa, trong khi giá dầu cao hơn mang lại lợi ích cho thu nhập chính phủ của các nhà sản xuất Trung Đông, thì chúng một lần nữa có thể trở thành cái cớ để nhiều nhà sản xuất ở vùng Vịnh lại chi tiêu quá mức và không thực hiện các cải cách cơ cấu sâu rộng để thực sự giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế của họ vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Bất chấp Tầm nhìn 2030 của Ả-rập Xê-út và những cam kết liên tục về việc đa dạng hóa từ các nhà sản xuất dầu khác ở Trung Đông, nhưng các nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào dầu và tính chất biến động của giá dầu. Các chính sách quản lý nguồn cung của OPEC +, do Saudi Arabia dẫn, đã khiến giá dầu tăng mạnh kể từ đầu năm 2021, với ngân sách được hưởng lợi từ việc giá tăng đột biến. Tuy nhiên, sự tự mãn với lợi nhuận thu được từ dầu trong ngắn hạn đang tạo tiền đề cho thiệt hại kinh tế lớn hơn ở Trung Đông khi giá dầu bước vào chu kỳ sụt giảm tiếp theo.
Nguồn tin: xangdau.net