Sự kết hợp của việc tiếp tục cắt giảm sản lượng và hoạt động kinh tế gia tăng đã thúc đẩy giá dầu quay trở lại mức như trước đại dịch - một yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi của các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông và Châu Phi.
Giá dầu thô Brent đã tăng trên 60 USD/thùng vào đầu tháng 2, lần đầu tiên giá vượt qua mức trước Covid-19. Kể từ đó, giá tiếp tục tăng, lên trên 66 USD/thùng vào ngày 24 tháng Hai.
Lần tăng giá dầu này, tăng 75% so với tháng 11 và khoảng 26% kể từ đầu năm, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với năm ngoái.
Sau khi nhiều biên giới quốc gia bị đóng cửa và thực hiện các hạn chế liên quan đến việc đi lại để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhu cầu dầu đã sụt giảm mạnh trên toàn cầu.
Sau cuộc chiến giá giữa Ả Rập Xê Út và Nga vào đầu năm 2020, giá dầu thô Brent đã giảm từ khoảng 60 USD/thùng vào tháng 2 năm ngoái xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ là 20 USD/thùng vào cuối tháng Tư, do cung tăng và nhu cầu giảm mạnh. Giá của dầu thô WTI cũng xuống mức thấp kỷ lục khoảng 40 USD/thùng vào năm ngoái do thiếu kho chứa.
Trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn ở mức thấp, thì một yếu tố được cho là có thể đảo ngược xu hướng, đó là quyết định cắt giảm đáng kể sản lượng dầu, mà đã làm thắt chặt nguồn cung toàn cầu sau đó.
Vào tháng Tư, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với các quốc gia sản xuất dầu khác bao gồm Nga, Azerbaijan, Malaysia và Mexico, đã đồng ý cắt giảm tổng sản lượng toàn cầu 9,7 triệu thùng/ngày - tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu.
Nhóm 23 quốc gia, còn được gọi là OPEC+, đã quyết định giảm quy mô cắt giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày vào tháng 8, trước khi thông báo vào đầu tháng 12 rằng họ sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 1/2021.
Lo ngại rằng quyết định gần đây nhất có thể dẫn đến tình trạng dư thừa dầu trên thị trường, Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 3.
Một yếu tố khác được cho là hỗ trợ cho giá dầu tăng là triển vọng kinh tế đang được cải thiện.
Với việc triển khai các loại vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu, người ta hy vọng rằng thế giới sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021 về việc đi lại và tiêu dùng, một kết quả sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiều hơn nữa.
Trong một báo cáo triển vọng hàng năm được công bố vào giữa tháng 2, OPEC dự báo nhu cầu dầu cả năm sẽ tăng 5,8 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020, một phần do tình hình kinh tế toàn cầu đang được cải thiện và các biện pháp kích thích đáng kể từ chính phủ các nước trên thế giới.
Nhóm cho biết trong một tuyên bố: “Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, nhu cầu dầu hiện đang thụt lùi nhưng dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm 2021. Với điều này, nhu cầu dầu phục hồi mạnh mẽ, kết hợp với lập trường thận trọng và nỗ lực đáng kể của các nước tham gia Tuyên bố Hợp tác, là điều cần thiết để duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ”.
Về giá trị của dầu trong tương lai, vào cuối tháng 1, IMF dự báo giá dầu sẽ đạt trung bình 50 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức trung bình 41,30 USD của năm 2020.
Tuy nhiên, giá tiếp tục tăng trong hai tháng đầu năm đã dẫn đến một số dự báo lạc quan hơn, khi ngân hàng đa quốc gia Hà Lan ING dự đoán giá trung bình hàng năm là 65 USD/thùng, trong khi ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ tăng cao tới 75 đô la/thùng trong quý 3 năm nay, cao hơn 10 đô la so với ước tính trước đó.
Chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế
Giá dầu tiếp tục tăng sẽ đóng góp đáng kể vào sự phục hồi của các thị trường mới nổi sản xuất dầu.
Cũng giống như sự sụt giá nhanh chóng ảnh hưởng xấu đến các nhà xuất khẩu hydrocacbon trong năm ngoái, sự phục hồi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.
Đơn cử như, tại Saudi Arabia, nơi dầu mỏ chiếm khoảng 45% GDP, nước này dự kiến thâm hụt tài khóa là 4,9% GDP trong năm nay, theo ngân sách năm 2021 của Saudi được công bố vào tháng 12.
Tuy nhiên, giá dầu tăng liên tục có thể cải thiện đáng kể tình trạng tài khóa của quốc gia. IMF dự đoán giá dầu hòa vốn của Vương quốc sẽ là 67,9 đô la mỗi thùng trong năm nay.
Hơn nữa, chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi từ mức thu hẹp 3,7% của năm ngoái với mức tăng trưởng 3,2% vào năm 2021.
Tình hình hiện tại cũng có lợi cho Nigeria, quốc gia có nguồn thu từ dầu đóng góp 10% GDP, 57% doanh thu cho chính phủ và xuất khẩu dầu mỏ chiếm 80%. Ngân sách của nước này cho năm 2021 dựa trên giá dầu 40 USD mỗi thùng, thấp hơn nhiều so với mức hiện tại.
Tương tự, tại Oman, các nhà phân tích hy vọng việc tăng giá dầu có thể cải thiện hoạt động kinh tế của đất nước, với số liệu ngân sách năm nay dựa trên giá trung bình là 45 đô la mỗi thùng.
Các mối đe dọa đối với sự ổn định giá dầu
Mặc dù triển vọng của các nước sản xuất dầu có vẻ tươi sáng hẳn lên so với năm 2020 nhưng vẫn còn một số yếu tố có thể cản trở sự phục hồi bền vững.
Đứng đầu trong số đó là khả năng bùng phát hơn nữa của Covid-19. Một yếu tố khác là khả năng chậm trễ trong việc triển khai vắc xin, điều này có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian áp dụng các quy định hạn chế đi lại và di chuyển nói chung.
Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường dầu trong ngắn hạn là cuộc họp sắp tới của OPEC + vào ngày 4 tháng 3, một sự kiện quan trọng trong việc xác định chính sách cho thời gian còn lại của năm.
Trong khi một số quốc gia, dẫn đầu là Ả Rập Xê-út, được cho là sẽ thúc đẩy việc gia hạn cắt giảm sản lượng, thì những quốc gia khác như Nga có khả năng kêu gọi nới lỏng hơn nữa các biện pháp này.
Ở một số khía cạnh, có những lo ngại rằng việc thu hẹp quy mô cắt giảm sản xuất quá sớm có thể làm tràn ngập thị trường bằng dầu, dẫn đến giảm giá, trong khi những người khác lo ngại rằng việc không tăng sản lượng có thể gây thêm áp lực tài khóa đối với các nước sản xuất dầu.
Quả thật, với việc cắt giảm sản lượng hiện tại, hầu hết các nước OPEC + đang sản xuất ít dầu hơn mức quy định trong dự toán ngân sách của họ cho năm tới.
Nguồn tin: xangdau.net