Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các nhà phân tích nói gì sau Thỏa thuận OPEC+?

Sau 4 ngày đàm phán, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng dầu toàn cầu khoảng 13%. Tuy nhiên, vào thứ Hai (13/4), giá dầu thế giới không cho thấy sự khởi sắc.

Vào Chủ nhật (12/4), OPEC+ đã ký một thỏa thuận cam kết tất cả các quốc gia thành viên giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Sau đó, việc cắt giảm sẽ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2020 và giảm 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Trong 2 tháng qua, giá “vàng đen” đã giảm từ khoảng 59 USD xuống còn 22 USD mỗi thùng dầu Brent. Tuần trước, dầu Brent tăng trở lại 32 USD mỗi thùng.

Các chuyên gia đã chia sẻ quan điểm về lý do tại sao giá dầu không tăng ngay lập tức sau thỏa thuận lịch sử và liệu nó có phụ thuộc vào điều kiện sản xuất dầu mới hay không.

Không ai hy vọng giá dầu tăng vọt

Rustam Tankaev, thành viên của Ủy ban Chiến lược và Phát triển năng lượng Nga nhận định không ai hy vọng giá dầu sẽ nhảy vọt lên mức trước khủng hoảng.

Ông nói: "Hầu như không thể biết được chính xác mức sụt giảm về nhu cầu thị trường toàn cầu trong điều kiện hiện tại, mặc dù có nhiều tổ chức và chuyên gia dự báo, trong đó có OPEC. Thực tế, hiện các nước sản xuất dầu đã thực hiện cắt giảm sản lượng. Nhưng thị trường không chỉ yêu cầu giảm 10 triệu thùng/ngày, mà còn yêu cầu 20 triệu thùng/ngày, và thậm chí là 35 triệu thùng/ngày. Điều đó phụ thuộc vào quan điểm của những người tham gia thị trường, quyết định 10 triệu thùng còn quá ít”.

Tất cả các nước sản xuất dầu đều phải cắt giảm

Về phần mình, Muhammad Surur al-Sabban, chuyên gia về dầu của Saudi Arabia, cho rằng giá dầu sẽ chỉ có thể tăng khi tất cả các nước sản xuất dầu đều phải giảm sản lượng, không chỉ những nước đã tham gia thỏa thuận OPEC+ mới.

Ông nói: "Chúng ta hãy hy vọng các quốc gia không tham gia thỏa thuận cũng sẽ giảm sản lượng, trước hết là Mỹ và Canada. Nếu họ cắt giảm sản lượng ít nhất 5 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu sẽ bắt đầu tăng nhẹ. Nếu điều này không thành hiện thực, giá dầu sẽ tiếp tục giảm, như chúng ta đã thấy".

Nói về các quốc gia không bao gồm trong thỏa thuận, chuyên gia Saudi Arabia nói thêm: "Tôi tin rằng các nước xuất khẩu dầu vẫn nằm ngoài thỏa thuận OPEC+ cũng sẽ hiểu trách nhiệm của họ đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu: họ cũng sẽ phải tham gia cứu nó. Do luật pháp trong nước, Mỹ và Canada không thể tham gia thỏa thuận OPEC+. Nhưng họ có thể cắt giảm sản lượng dầu phù hợp với nhu cầu của thị trường".

Giá hiện tại là hoàn vốn cho những năm qua

Alexei Zubets, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, nhận định thị trường hiện đang trả giá cho sự bùng nổ dầu mỏ của thập kỷ trước, khi giá dầu vượt quá 100 USD mỗi thùng. Theo ông, các nhà sản xuất đã lạm dụng điều đó.

Ông nói: “Các nhà sản xuất dầu đang trả giá cho việc tăng sản lượng quá đà từ năm 2010-2014, khi giá ổn định trên 100 USD. Giá dầu cao đã thúc đẩy các dự án đầu tư tăng sản xuất. Nếu tất cả các nước đều duy trì giá ở mức thấp hơn, điều này sẽ không xảy ra. Bây giờ sẽ phải mất vài năm mới xử lý hết lượng dầu dư thừa khỏi thị trường".

Dự báo giá

Các chuyên gia đồng ý rằng trong ngắn hạn, không thể hy vọng giá dầu tăng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6, tình hình sẽ được cải thiện, nhưng giá sẽ thấp hơn mong đợi.

Đây là cách nhà phân tích Rustam Tankaev nhìn thấy cơ chế tăng giá: "Toàn bộ vấn đề nhu cầu bắt đầu từ Trung Quốc. Như đã biết, kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Trung Quốc đã khôi phục 90% năng suất công nghiệp và tiếp tục duy trì như vậy. Họ có trữ lượng dầu nhất định, tuy nhiên họ chỉ có thể duy trì trong 4 tháng. Sau đó, họ sẽ lại phải nhập khẩu số lượng dầu như trước. Tôi nghĩ rằng đến tháng 6, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng".

Chuyên gia kết luận: "Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần giá sẽ không tăng nhiều. Nhu cầu dầu sẽ thấp do nền kinh tế toàn cầu kiệt quệ, đặc biệt là trong quý 2. Giá chỉ có thể tăng trở lại sau khi sản xuất và nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Cho đến khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn, giá dầu sẽ không vượt quá 30 USD mỗi thùng".

Nguồn tin: petrotimes.vn
 

ĐỌC THÊM