Trong một sự thay đổi đáng kể, Bắc Kinh đã công bố cắt giảm rất lớn hạn ngạch nhập khẩu đối với các nhà máy lọc dầu tư nhân của nước này. Theo Reuters, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô tổng cộng 35,24 triệu tấn trong đợt cấp hạn ngạch thứ hai của năm nay, giảm 35% so với mức 53,88 triệu tấn của cùng đợt năm ngoái.
Sự sụt giảm lớn này là một phần trong kế hoạch kiểm soát của chính phủ đối với các nhà máy lọc dầu tư nhân (còn được gọi là teapot), những công ty ngày càng trở nên vượt trội trong 5 năm qua. Điều này nhằm cho phép Bắc Kinh điều chỉnh chính xác hơn lưu lượng của dầu nước ngoài khi nước này cố gắng hạn chế những hành vi phạm pháp như trốn thuế, buôn lậu nhiên liệu và vi phạm các quy tắc về môi trường cũng như khí thải của các nhà máy lọc dầu độc lập.
Động thái này cũng nhằm lấy lại quyền kiểm soát lĩnh vực lọc dầu thô của Trung Quốc từ các nhà máy lọc dầu tư nhân để chuyển sang cho các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước. Và nó gợi nhớ đến sự kiểm soát trước đó đối với các hoạt động công nghệ lớn vốn đang trở nên mạnh mẽ một cách nguy hiểm và được coi là đe dọa chính trị đảng phái.
Các teapot của Trung Quốc đã và đang dần chiếm lấy thị phần từ những công ty nhà nước lâu năm như Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (NYSE: SNP), còn được gọi là Sinopec (1,73%) và PetroChina Co (4,99%). (NYSE: PTR) kể từ khi Bắc Kinh tự do hóa một phần ngành công nghiệp dầu mỏ vào năm 2015. Các teapots hiện kiểm soát gần 30% sản lượng lọc dầu thô của Trung Quốc, tăng từ khoảng 10% vào năm 2013.
Nguồn: Bloomberg
Các công ty dầu khí quốc gia được hưởng lợi
Tổng cộng 39 công ty - đứng đầu là các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn nhất Zhejiang Petrochemical Co (ZPC), Hengli Petrochemical và Shandong Dongming Petrochemical Group - sẽ nhận được hạn ngạch cho đợt thứ hai trong năm nay, với ZPC và Hengli mỗi công ty nhận hạn ngạch 3 triệu tấn.
Ít nhất bốn nhà máy lọc dầu đã nhận được hạn ngạch trong đợt đầu tiên đã bị từ chối cấp bất kỳ mức hạn ngạch nào trong đợt thứ 2 này.
Văn phòng báo chí thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã từ chối bình luận về động cơ của cuộc điều tra mới nhất, nhưng các teapot từ lâu đã bị cáo buộc tuân thủ lỏng lẻo các quy định thuế và cũng vi phạm nhiều hơn so với các công ty thuộc sở hữu nhà nước trong cùng ngành trong việc đáp ứng các mục tiêu phát thải nghiêm ngặt hơn.
Quan trọng hơn, các công ty dầu mỏ quốc gia (NOC) có khả năng là người được hưởng lợi lớn nhất nhờ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn và phong trào hoạt động vì khí hậu ngày càng tăng.
Theo nhà phân tích Seng Yick Tee của SIA Energy, việc kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu dầu của teapot, nhưng không ảnh hưởng đến tổng lượng dầu thô nhập khẩu hay hoạt động của nhà máy lọc dầu vì các NOC được cho là sẽ lấp vào khoảng trống.
Đó là nhận định của các chuyên gia trong ngành sau làn sóng hoạt động vì khí hậu gần đây.
Rõ ràng, OPEC và các công ty dầu mỏ quốc gia hàng đầu đang vui sướng trên nỗi đau của người khác sau những sóng gió mới đây của Big Oil, coi đây là cơ hội quý báu để giành lấy thị phần và doanh thu nhiều hơn.
Thất bại của hội đồng quản trị và phòng xử án đối với Exxon (NYSE: XOM), Chevron (NYSE: CVX) và Shell (NYSE: RDS.A) có thể trở thành một vận may đối với công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco (2222.SE), Gazprom (GAZP.MM) của Nga và Rosneft (ROSN.MM) cũng như Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi, những công ty này đang tìm cách tận dụng bằng cách lấp đầy khoảng trống còn chừa lại nếu các công ty nói trên bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu nhằm nỗ lực xoa dịu các nhà đầu tư.
Amrita Sen từ công ty tư vấn Energy Aspects nói với Reuters: “Nhu cầu dầu khí còn lâu mới đạt đỉnh và nguồn cung sẽ cần thiết, nhưng các công ty dầu mỏ quốc tế sẽ không được phép đầu tư vào môi trường này, đồng nghĩa với việc các công ty dầu khí quốc gia phải vào cuộc”.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây sự chú ý sau khi tuyên bố rằng nước này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ áp dụng "các chính sách và biện pháp mạnh mẽ hơn" nhằm nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide trước năm 2030.
Tuyên bố này đã gây ra một làn sóng chấn động trong thế giới năng lượng vì Trung Quốc không chỉ góp phần tạo 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới mà còn nhiều lần chống lại lời kêu gọi giảm lượng khí thải, vì cho rằng những quốc gia giàu có hơn được hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa trước đó phải gánh vác gánh nặng kinh tế lớn hơn để ngăn chặn sự nóng lên thảm khốc. Năm ngoái, lượng khí thải carbon của Trung Quốc đạt 5,7 tỷ tấn, gần bằng tổng lượng khí thải của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Điều đáng khen ngợi là, ông Tập đã coi bảo vệ môi trường như là một trong những câu thần chú quan trọng của mình khi tìm cách hạn chế bớt tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá vốn đã áp đảo các chính quyền trước đây.
Lời cam kết đó là một bản nhạc êm tai các nhà bảo vệ môi trường vì không một quốc gia nào có thể làm nhiều hơn Trung Quốc để hạn chế sự nóng lên dưới ngưỡng 1,5 độ C được quy định trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Nếu thành hiện thực thì cam kết này sẽ dẫn đến giảm nhiều nhất sự nóng lên toàn cầu được dự báo trong số các cam kết về khí hậu mà bất kỳ quốc gia nào thực hiện cho đến nay, theo hãng nghiên cứu Climate Action Tracker.
Có lợi cho năng lượng tái tạo
Nhưng nó vẫn ngọt ngào hơn trong tai những người ủng hộ năng lượng sạch vì nó có thể kích hoạt một số dòng vốn đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo Wood Mackenzie, mục tiêu của Trung Quốc để đạt được trung hòa carbon vào năm 2060 sẽ yêu cầu các khoản đầu tư hơn 5 nghìn tỷ USD, phần lớn trong số đó sẽ đổ vào sản xuất điện tái tạo.
Woodmac tính toán rằng để Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình, công suất năng lượng mặt trời, gió và lưu trữ sẽ phải tăng gấp 11 lần lên 5.040 gigawatt (GW) vào năm 2050 so với mức năm 2020. Trong thời gian tới, ông Tập đã cam kết tăng công suất năng lượng gió và năng lượng mặt trời của Trung Quốc từ 500 triệu KW lên ít nhất 1,2 tỷ KW vào năm 2030.
Sự gia tăng lớn về công suất tái tạo như vậy chắc chắn sẽ đòi hỏi sự gia tăng không kém về công suất lưu trữ.
Nguồn tin: xangdau.net