Một số công ty nhập khẩu dầu thô Nga lớn nhất của Mỹ đã bắt đầu ngừng nhập hàng, trong đó có Monroe Energy, là khách hàng mua dầu Nga lớn thứ ba của Mỹ.
Bloomberg đưa tin Monroe Energy đã ngừng nhập khẩu dầu của Nga "trong tương lai gần", trong khi một nhà nhập khẩu khác, Par Pacific Holdings, sẽ không tham gia các thỏa thuận mua dầu mới nhưng sẽ nhận được khối lượng đã ký hợp đồng.
Bản tin của Bloomberg cho biết, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ, Marathon Petroleum, từ chối cho biết liệu họ có tiếp tục mua dầu của Nga hay không. Các nhà nhập khẩu lớn khác, bao gồm Valero Energy, Motiva Enterprises, Phillips 66 và PBF Energy cũng từ chối bình luận.
Cho đến nay Mỹ vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với ngành dầu khí của Nga, mặc dù đã thông báo sẽ ngừng xuất khẩu thiết bị và công nghệ cần thiết cho hoạt động của các giếng dầu và khí đốt cũng như nhà máy lọc dầu.
Đầu tuần này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Biden "rất sẵn sàng" trong việc trừng phạt ngành dầu khí của Nga và nói rằng, "Chúng tôi đang xem xét vấn đề này. Nó còn rất nhiều điều đang được bàn luận, nhưng chúng tôi cần cân nhắc xem tất cả những tác động sẽ là gì".
"Chúng tôi không làm tổn thương chính mình, chúng tôi đang cố gắng gây tổn hại cho Tổng thống Putin và nền kinh tế Nga", ông Psaki cũng cho biết, được MSNBC dẫn lời.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, dầu và khí đốt của Nga hiện không bị trừng phạt, nhưng lệnh cấm SWIFT và lo ngại sẽ có thêm các lệnh trừng phạt đã khiến những người mua dầu miễn cưỡng giao dịch với dầu của Nga. Một số nhà máy lọc dầu và thương nhân không chắc chắn về cách thức hoạt động của các khoản tín dụng ngân hàng; những công ty khác đang tránh xa để tránh thiệt hại về danh tiếng.
“Việc nhắm mục tiêu vào dầu và khí đốt của Nga vào thời điểm này sẽ có tác động đến người tiêu dùng Mỹ và thực sự có thể phản tác dụng xét về mặt tăng giá dầu và khí đốt trên thế giới, điều này có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho ngành dầu khí Nga”, Phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Bharat Ramamurti cho biết, được Reuters dẫn lời, và nói thêm, "Vì vậy, chúng tôi không muốn áp lệnh trừng phạt ngay lúc này”.
Nguồn tin: xangdau.net