Nguy cơ nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và rơi vào vùng tăng trưởng âm ngày một lớn trong vài tháng qua. Đến nỗi giá dầu đã mất khoảng 1/4 giá trị trong quý III sau khi tăng mạnh trong hai quý đầu năm.
Có vẻ như đây chỉ là khởi đầu. Giờ đây, LHQ đang cảnh báo một cuộc suy thoái sắp xảy ra, và các nhà giao dịch dầu mỏ đang bán vị thế của họ và tháo chạy khỏi một thị trường mà có thể sẽ sớm chứng kiến diễn biến tích cực khi OPEC+ dự kiến sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng sâu nhất kể từ năm 2020.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển tuần này đã công bố một báo cáo, trong đó quy trách nhiệm cho việc thắt chặt tiền tệ là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế sắp xảy ra, dẫn đến tình trạng trì trệ toàn cầu tồi tệ nhất so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch.
“Theo báo cáo, việc tăng lãi suất nhanh chóng và thắt chặt tài khóa ở các nền kinh tế tiên tiến kết hợp với các cuộc khủng hoảng theo tầng do đại dịch COVID và chiến tranh ở Ukraine đã biến sự đình trệ toàn cầu thành suy thoái với khả năng hạ cánh mềm như mong muốn có vẻ khó xảy ra”, UNCAD cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Trong một thập kỷ lãi suất cực thấp, các ngân hàng trung ương liên tục không đạt được mục tiêu lạm phát và không thể tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Báo cáo gợi ý rằng bất kỳ niềm tin nào cgo rằng họ sẽ có thể hạ giá bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn mà không tạo ra suy thoái kinh tế đều là một canh bạc khinh suất”.
Thị trường dầu đã ở trong tình trạng thích ứng khẩn cấp với mối nguy hiểm mới. Theo nhà báo John Kemp của Reuters, các quỹ đầu cơ và các nhà giao dịch tổ chức khác đã bán ròng 10 trong số 16 tuần qua, làm giảm vị thế các hợp đồng dầu được giao dịch nhiều nhất, với tổng cộng 237 triệu thùng kể từ tháng Sáu.
Phản ánh hơn nữa những lo ngại ngày càng lớn về suy thoái trong quý thứ ba, số liệu của Kemp cho thấy các nhà giao dịch tổ chức đã giảm vị thế dài hạn tăng giá đối với dầu xuống tỷ lệ 3,61:1 từ 6,68:1 trong tháng Sáu.
Trong khi đó, OPEC+ đang siết nguồn cung để ứng phó với tâm lý này, lên kế hoạch giảm đáng kể sản lượng dầu thô tại cuộc họp tiếp theo, diễn ra vào thứ Tư tại Vienna.
“Các Bộ trưởng OPEC sẽ không đến Áo lần đầu tiên sau hai năm để không làm gì cả. Vì vậy, sẽ có một sự cắt giảm nào đó mang tính lịch sử”, Dan Pickering từ Pickering Energy Partners nói với CNBC trong tuần này.
Thật vậy, các báo cáo cho thấy sản lượng cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày, mặc dù một số nhà phân tích lưu ý rằng mức cắt giảm thực tế có thể thấp hơn, khi con số chính thức đề cập đến hạn ngạch sản xuất của OPEC+ chứ không phải sản lượng thực tế. Tổ chức này đã không đạt được hạn ngạch trong vài tháng qua, với khoảng cách giữa hạn ngạch và sản lượng thực tế tăng lên 2,85 triệu thùng/ngày vào tháng Tám.
Tuy nhiên, do việc cắt giảm của OPEC+, các nhà phân tích hầu như chắc chắn giá dầu sẽ phục hồi, có lẽ, tăng mạnh vào cuối năm, bất chấp lo ngại suy thoái.
"Dầu lao dốc khi lo ngại về tăng trưởng toàn cầu rơi vào trạng thái hoảng loạn do ngân hàng trung ương cam kết chống lạm phát. Có vẻ như các ngân hàng trung ương đang sẵn sàng tiếp tục mạnh tay với việc tăng lãi suất và điều đó sẽ làm suy yếu cả hoạt động kinh tế cũng như triển vọng nhu cầu dầu thô ngắn hạn", nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói với Reuters vào tháng trước.
Tuần này, dầu đã tăng 5% trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 10 nhờ đồn đoán OPEC+ cắt giảm sản lượng, Goldman hiện dự báo giá dầu Brent ở mức 105 USD/thùng vào cuối năm và WTI ở mức 95 USD/thùng.
Điều này cho thấy điều gì đó đã rõ ràng vào năm ngoái. Các yếu tố cơ bản có thể bị gạt sang một bên trong một thời gian, nhưng chúng luôn quay trở lại để khẳng định vai trò của mình trong việc hình thành giá dầu. Nguy cơ suy thoái chắc chắn có ý nghĩa tiêu cực đối với tăng trưởng nhu cầu dầu, nhưng trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp, triển vọng về giá luôn thay đổi từ giảm sang tăng, mặc dù điều đang sắp xảy đến là cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Nguồn tin: xangdau.net