Bất chấp những kỳ vọng về một thị trường dầu thắt chặt vào cuối năm nay, các nhà quản lý quỹ phòng hộ và các nhà giao dịch tiếp tục bi quan về giá dầu thô và vẫn bán phá giá các khoản đặt cược giá lên.
Các nhà quản lý danh mục đầu tư hiện là những người bi quan nhất đối với các hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu thô trong hơn một thập kỷ do những lo ngại về kinh tế và sự bế tắc trong các cuộc đàm phán trần nợ của Hoa Kỳ đang lấn át các nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc cơ bản đó hiện đang hỗ trợ nhiều hơn cho giá sau lần cắt giảm mới nhất của OPEC+ và dự báo rằng thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến mức thâm hụt ngày càng lớn vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, những lo ngại ngắn hạn về nền kinh tế và nỗi sợ suy thoái ngày càng lớn – cùng với câu chuyện về trần nợ – đã quyết định vị thế của các nhà quản lý tiền tệ trong tuần báo cáo gần nhất tính đến ngày 16 tháng 5. Và vị thế này không phản ánh kỳ vọng về một thị trường thắt chặt hơn.
Theo ước tính của Bloomberg, đối với các hợp đồng quyền chọn và tương lai xăng dầu quan trọng nhất, vị thế của các quỹ phòng hộ cho thấy tâm lý giảm giá nhất đối với xăng dầu kể từ năm 2011.
Hoạt động bán hợp đồng dầu thô tương lai và quyền chọn bắt đầu vào giữa tháng 4, khi giá tăng nhờ quyết định của OPEC+ thúc đẩy đã nhường chỗ cho những lo ngại về kinh tế vĩ mô.
Các trader dự báo về một cuộc suy thoái, trong khi lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ bất ổn, hạn chót cho một thỏa thuận nâng trần nợ đang đến gần và dấu hiệu phục hồi kinh tế bấp bênh ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Hơn nữa, nhu cầu và giá dầu diesel của Mỹ đã suy yếu trong năm nay do các hoạt động vận chuyển hàng hóa và công nghiệp chậm lại trong bối cảnh lãi suất cao hơn và nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng giảm.
Giá dầu đã ghi tuần tăng đầu tiên vào tuần trước sau 4 tuần giảm liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 11 năm 2021.
Nhưng các nhà quản lý tiền tệ vẫn tiếp tục bán các hợp đồng dầu thô.
“ICE Brent đã tăng 1,9% trong tuần trước, giao dịch trên 75 đô la Mỹ/thùng. Mặc dù vậy, các nhà đầu cơ vẫn có thái độ tiêu cực đối với thị trường với lượng mua ròng đầu cơ ròng đối với dầu Brent ICE giảm 6.020 lô trong tuần báo cáo trước xuống còn 106.722 lô vào thứ Ba tuần trước,” hai chiến lược gia của ING, Warren Patterson và Ewa Manthey, cho biết hôm thứ Hai.
“Đây là vị thế thấp nhất mà các nhà đầu cơ nắm giữ trong năm nay. Nhìn kỹ hơn vào dữ liệu cho thấy động thái này được thúc đẩy bởi việc thanh lý các vị thế mua, trong khi tổng vị thế bán khống khá lớn ở mức 94.880 lô.”
Việc bán dầu thô đã kéo dài sang tuần thứ tư trong tuần tính đến ngày 16 tháng 5, với vị thế mua ròng– chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống – trong WTI và Brent giảm thêm 17.600 lô xuống còn khoảng 267.000 lô, Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết, bình luận về cam kết của các báo cáo COT (báo cáo số lượng giao dịch của các nhà đầu tư).
Vị thễ mua ròng hiện ở gần mức thấp được nhìn thấy sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào giữa tháng 3 và ngay trước thông báo cắt giảm bổ sung đầy bất ngờ của OPEC+.
Hansen cho biết, vị thế bán ròng đối với dầu diesel ICE đã giảm nhờ lợi nhuận biên lọc dầu cải thiện, trong khi hợp đồng tương lai dầu diesel chuẩn ULSD cho nhiên liệu được vận chuyển đến Cảng New York đã quay trở lại trạng thái mua ròng sau một thời gian dài rơi vào trạng thái bán ròng trong những tuần trước đó.
Tâm trạng bi quan của các nhà quản lý tiền tệ trái ngược với kỳ vọng của các ngân hàng đầu tư và các tổ chức dự báo rằng thị trường sẽ ngày càng trở nên thắt chặt hơn trong năm.
Theo Bank of America, giá dầu sẽ quay trở lại mức trên 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay và có thể tiếp tục tăng lên 90 USD do thiếu hụt nguồn cung ngày càng nghiêm trọng.
Các nhà phân tích trong cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Reuters cũng dự báo giá sẽ tăng lên 90 USD/thùng vào cuối năm nay, được thúc đẩy bởi nhu cầu của Trung Quốc và thị trường thắt chặt sau đợt cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho biết giá dầu giảm trong vài tuần qua trái ngược với kỳ vọng thị trường sẽ thắt chặt vào cuối năm nay khi nhu cầu dự kiến sẽ vượt cung gần 2 triệu thùng mỗi ngày.
Bất chấp những dự báo này, các nhà quản lý quỹ phòng hộ vẫn tập trung vào các yếu tố thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn, mà tất cả đều có xu hướng giảm giá - suy thoái, trần nợ và sự phục hồi bấp bênh ở Trung Quốc.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết hôm thứ Sáu, “Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang gặp khó khăn và đó là trở ngại cho bất kỳ đà tăng giá dầu nào.”
Nguồn tin: xangdau.net