Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các nhà đầu cơ dầu giá lên ăn mừng khi chiến lược nguồn cung của Biden phản tác dụng

 

Lời đe dọa của Tổng thống Biden gửi tới các nhà sản xuất dầu rằng ông sẽ khiến giá đi xuống đã phản tác dụng. Thị trường dầu không bị ấn tượng bởi kế hoạch của chính quyền Hoa Kỳ trong việc phối hợp giải phóng kho dự trữ xăng dầu chiến lược từ các nhà nhập khẩu lớn nhằm nỗ lực tăng nguồn cung. Trong khi một số nhà quan sát tin rằng việc xả kho SPR có thể đẩy giá dầu đi xuống, thì hầu hết các nhà phân tích đều cảnh báo rằng nó sẽ chỉ có tác dụng tạm thời và cuối cùng có thể kích hoạt giá tăng đột biến. Các thành viên OPEC+ thậm chí đã không tham gia vào chiến lược của Biden vì họ đã thấy nó còn thiếu sót ngay từ đầu. Việc giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ SPR của Mỹ sẽ không bao giờ tác động đáng kể đến giá dầu. Các nhà phân tích Hoa Kỳ hiện đang lo lắng hành động của Biden có thể khiến giá dầu cao hơn.

Kế hoạch của Biden trước tiên đã nhận được sự ủng hộ từ các nước OECD khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh, trước khi có tin đồn Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ của họ. Tuy nhiên, để thực sự đẩy giá thị trường đi xuống, tình trạng dư cung rõ rệt và có khả năng đe dọa tới giá sẽ phải xảy ra trong tương lai gần. Hiện tại, không có mối đe dọa nào như vậy, với việc OPEC báo cáo khả năng dư cung nhẹ vào năm 2022. Theo cam kết, tổng lượng dầu được giải phóng từ SPR theo kế hoạch của Biden dự kiến ​​là khoảng 100 triệu thùng, tương đương với sản lượng toàn cầu trong một ngày. Trên thực tế, việc xả kho đó sẽ diễn ra trong vài tuần, tạo ra khối lượng bổ sung hàng ngày là 4-5 triệu thùng. Với cách thị trường không ấn tượng với thông báo giải phóng kho dự trữ ban đầu của Biden, có vẻ như chiến lược này sẽ trở thành yếu tố tăng giá đối với thị trường dầu trong dài hạn. Kế hoạch của Biden dường như đã tính đến các nguyên tắc cơ bản của thị trường nhưng không hiểu được tác động thực sự và khả năng sản xuất của OPEC+ hiện tại. Trong khi Ả Rập Xê Út và UAE nắm giữ một số công suất sản xuất dự phòng, thì các nhà sản xuất OPEC khác và các thành viên không thuộc OPEC đang phải vật lộn thậm chí chỉ để sản xuất khối lượng dầu đã được thỏa thuận. Vẫn chưa rõ phản ứng của OPEC đối với chiến lược của Washington sẽ như thế nào, nhưng những tin đồn đã bắt đầu lan truyền. Có thể các chiến lược gia dầu mỏ của Ả Rập Saudi, UAE và Nga sẽ quyết định không tăng sản lượng hoặc họ có thể chỉ bám sát kế hoạch trong những tháng tới. Tác động của việc giải phóng SPR dường như đang mờ nhạt, với giá dầu đã có xu hướng tăng trở lại. Đồng thời, bất chấp số ca nhiễm Covid mới trên khắp châu Âu, tổng nhu cầu dầu thô vẫn được dự báo sẽ tăng. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu và Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm nhu cầu dầu thô. Sự không sẵn sàng của Nga hoặc không có khả năng cung cấp khí đốt cho châu Âu và có thể Trung Quốc sẽ làm phần còn lại. Mùa đông đang đến, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí còn sớm hơn dự kiến, nên một đợt dự trữ khí đốt nữa đang được tiến hành.

Mong muốn chế ngự giá dầu và xăng toàn cầu ngày càng lớn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng OPEC+ không phải là nguyên nhân. Một trong những động lực chính khiến giá xăng và giá tiêu dùng cao hơn hiện nay là các chính sách nới lỏng định lượng (QE) đang được sử dụng nhằm giảm bớt thiệt hại toàn cầu do Covid. Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây và châu Á thực sự muốn làm điều gì đó cho giá dầu thô, họ nên loại bỏ QE và lãi suất thấp khỏi thị trường. Việc thiếu tiền mặt hoặc dự trữ tài chính sẽ đẩy nhu cầu dầu thô đi xuống trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Việc đổ lỗi cho OPEC làm giá tăng cao cũng giống như việc đổ lỗi cho ông già Noel làm cho lạm phát giá hàng tiêu dùng trong mùa Giáng sinh. Ông già Noel không làm tăng giá mà đó chính là do nhu cầu của người tiêu dùng. Các chính phủ đã bơm thêm hàng nghìn tỷ đô la vào thị trường cho các dự án cơ sở hạ tầng, các dự án GIGA chuyển đổi năng lượng hoặc sự bùng nổ bất động sản. Nguồn tiền mặt đang thúc đẩy thị trường dầu thô. Tăng trưởng kinh tế cần năng lượng, đó là một sự thật hiển nhiên. Biden và các cố vấn của mình trước hết nên xem xét thị trường nội địa cũng như các nhà sản xuất dầu thô và khí đốt trong nước. Thông qua việc hạn chế các nhà sản xuất trong nước và hỗ trợ xuất khẩu hydrocacbon quy mô lớn trong khi nhập khẩu dầu thô từ Nga, Saudi và các loại dầu thô khác, Biden đang không giải quyết được các vấn đề cốt lõi đằng sau giá xăng cao. OPEC và các nhà sản xuất dầu khác không phải là nguyên nhân dẫn đến tâm lý thị trường tăng giá hiện tại, mà nguyên nhân chính là do QE, thiếu đầu tư và các chính sách không hiệu quả.

Sẽ rất thú vị để xem liệu các nhà lãnh đạo OPEC quyết định như thế nào khi nhốm họp tại Vienna vào tuần tới. Nhận xét của Tổng thư ký OPEC Barkindo, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman và Bộ trưởng Al Mazrouei của UAE dường như không mang tính ngoại giao. Họ tin rằng họ đang bị đổ lỗi cho điều mà Biden và những người khác phải chịu trách nhiệm. Về trung và dài hạn, quyết định của Biden gần như chắc chắn sẽ phản tác dụng. Việc xả kho SPR có thể cứu trợ tạm thời cho thị trường dầu, nhưng số dầu đó sẽ phải được bổ sung lại kho vào một thời điểm nào đó - và nhiều khả năng là với chi phí cao hơn mà chính phủ sẽ chuyển cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp dầu khí.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM