Các hãng dầu lớn (Big Oil) đang báo cáo kết quả kinh doanh quý I tăng mạnh nhờ giá cao hơn, có thể khiến một số cổ đông phải suy nghĩ kỹ về toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhưng không phải mọi người đều vui vẻ. Bất chấp sự cải thiện rõ rệt về giá của các chuẩn dầu trong những tháng gần đây, các nhà sản xuất dầu Trung Đông được cho là sẽ vẫn bị thua lỗ trong năm nay.
Abu Dhabi và Qatar là hai trường hợp ngoại lệ duy nhất có thể ghi nhận thặng dư ngân sách, Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo mới tuần này, được Reuters trích dẫn. Tuy nhiên, phần còn lại của các nền kinh tế dầu mỏ sẽ tiếp tục vật lộn với tình trạng thâm hụt do giá chưa đủ cao đối với họ.
Cơ quan xếp hạng này cho biết: “Giá dầu hòa vốn tài khóa cao cho thấy quy mô của thách thức cải cách tài chính công và hầu hết vẫn cao hơn giá dầu hiện tại hoặc dự báo”, đồng thời lưu ý rằng giá dầu Brent được dự báo đạt mức trung bình 58 USD/thùng trong năm nay và 53 USD trong dài hạn hơn.
Đây là một tin xấu đối với hầu hết các nền kinh tế vùng Vịnh. Hãng Fitch cho biết, Bahrain cần Brent ở mức 100 USD để hòa vốn. Kuwait cần giá trên 80 USD/thùng. Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất vùng Vịnh, cần dầu Brent ở mức khoảng 70 USD để cân bằng ngân sách giai đoạn 2021-2022.
Không có gì đáng ngạc nhiên. Việc đa dạng hóa kinh tế sẽ khó khăn thế nào đối với các quốc gia vùng Vịnh phụ thuộc vào dầu mỏ đã trở nên rõ ràng trong cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp dầu mỏ trước đó. Vào thời điểm đó, chính phủ những nước này đã phải đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đối phó với cuộc khủng hoảng và cố gắng thực hiện một số cải cách, nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.
Giờ đây, chưa đầy 5 năm sau, các nền kinh tế vùng Vịnh lại ở vào vị thế cũ: họ cần phải cải cách nền kinh tế của mình và làm cho chúng bớt phụ thuộc hơn. Nhưng họ cần doanh thu từ dầu mỏ để làm được điều đó. Lựa chọn khác duy nhất là thắt lưng buộc bụng khắc khổ, điều mà không chính phủ nào trong khu vực có thể mạo hiểm.
Do đó, các nền kinh tế vùng Vịnh đang tăng phát hành nợ kết hợp với việc bán tài sản. Vào tháng 7 năm ngoái, lúc đỉnh điểm của đợt đại dịch đầu tiên, S&P Global Ratings cho biết các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập có khả năng sẽ thâm hụt ngân sách lên tới được 490 tỷ USD vào năm 2023.
Dự báo này được đưa ra vài ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo rằng doanh thu của các nước sản xuất dầu ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sụt giảm 270 tỷ USD vào cuối năm 2020. Một quan chức của IMF cho biết vào thời điểm đó, riêng nền kinh tế của các nước sản xuất vùng Vịnh có thể giảm 7,6% vào năm 2020.
Đó là lúc đó. Còn giờ đây, IMF có một triển vọng tươi sáng hơn nhiều đối với các nền kinh tế vùng Vịnh. Tuy nhiên, đó là nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện và không có gì cố định khi tình hình đại dịch vẫn khá căng thẳng. IMF dự báo tăng trưởng từ 0,7% đối với Kuwait đến 3,1% cho UAE. Theo IMF, nền kinh tế Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay.
Tăng trưởng sẽ là một sự thay đổi đáng hoan nghênh từ sự thu hẹp năm ngoái và là phần thưởng xứng đáng cho tất cả các biện pháp mà chính phủ các nước ở Vùng Vịnh đã thực hiện để củng cố tài chính của họ. Cắt giảm thuế và cắt giảm chi tiêu là những biện pháp ít phổ biến nhất, và có rất nhiều khoản phát hành nợ từ vùng Vịnh. Đến tháng 11 năm 2020, sáu quốc gia đã phát hành khoản nợ 100 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục trước đó của họ, được thiết lập chỉ một năm trước đó.
Bên cạnh nợ, các chính phủ vùng Vịnh, thông qua các công ty dầu khí quốc doanh, cũng sử dụng đến việc niêm yết một số doanh nghiệp và bán tài sản. ADNOC của Abu Dhabi cho biết vào đầu tháng này, họ có kế hoạch niêm yết hoạt động khoan dầu của mình trên thị trường chứng khoán trong nước và Saudi Aramco đã công bố thỏa thuận bán 49% mảng kinh doanh đường ống của mình cho một tập đoàn do EIG Global Energy Partners dẫn dắt.
Trong khi đó, giá không tăng cao khiến các nền kinh tế vùng Vịnh gặp khó khăn hơn. Rõ ràng là để đa dạng hóa nền kinh tế thoát khỏi dầu mỏ, những nền kinh tế này cần doanh thu từ dầu mỏ cao hơn. Điều có thể được coi là một vòng luẩn quẩn cho lý do tại sao những nỗ lực của họ trong việc đa dạng hóa cho đến nay đã mang lại thành công khá trái chiều. Và trừ khi giá phục hồi mạnh mẽ, các nền kinh tế này sẽ tiếp tục quay trong vòng lẩn quẩn này.
Khả năng xảy ra là rất nhỏ. Với sự lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở Ấn Độ - nước tiêu thụ lớn thứ ba thế giới và là nhà nhập khẩu dầu lớn - và với nguồn cung nhiều hơn từ OPEC, bao gồm các nhà sản xuất vùng Vịnh, các chuẩn dầu có thể vẫn bị giới hạn trong phạm vi. Thật không may cho các nền kinh tế vùng Vịnh, phạm vi giá đó thấp hơn so với hầu hết mức giá mà họ cần để đáp ứng ngân sách.
Điều này có nghĩa là có thể có nhiều đợt phát hành nợ và bán tài sản nhiều hơn, và có thể là các biện pháp không được ưa thích đối với người dân. Điều này sẽ giúp ích trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đa dạng hóa vẫn là lựa chọn khả thi duy nhất, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi năng lượng sẽ khiến nhu cầu đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ giảm sút. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ các nước vùng Vịnh có đủ tiềm lực để triển khai các kế hoạch đa dạng hóa do khủng hoảng gây ra hay không.
Nguồn tin: xangdau.net