Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các lựa chọn của tổng thống Biden để đối phó với OPEC+ bị hạn chế

Tuần trước, OPEC+ đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử của liên minh này cũng như trong lịch sử của OPEC. Theo đó, OPEC+ đã chấp thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào thời điểm nhu cầu ổn định, nguồn cung thắt chặt và lạm phát phi mã tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đáng chú ý hơn, có lẽ, OPEC+ đã đưa ra quyết định này bất chấp nhiều nỗ lực của Washington nhằm thay đổi suy nghĩ của các nhà lãnh đạo OPEC, đặc biệt là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Chỉ một ngày trước cuộc họp của OPEC+, CNN đưa tin rằng tất cả nguồn nhân lực hiện có trong chính quyền đã được huy động, khi Nhà Trắng "đang bị căng thẳng và hoảng loạn", theo một quan chức giấu tên.

Các quan chức hàng đầu như Amos Hochstein và Janet Yellen đã được giao nhiệm vụ thảo luận với Ả Rập Xê Út và Tiểu vương quốc về việc cắt giảm sản lượng. Các điểm thảo luận bao gồm một sự đe dọa không quá nhỏ về tổn hại danh tiếng và quan hệ đối ngoại: "Sẽ có rủi ro chính trị lớn đối với danh tiếng và quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây nếu hai nước thúc đẩy cắt giảm sản lượng". Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út và UAE vẫn quyết định thực hiện cắt giảm mạnh nguồn cung.

Các nhà bình luận đã nhanh chóng lưu ý rằng động thái này như là một cái tát vào mặt Hoa Kỳ và toàn thể phương Tây. Phương Tây đang cần dầu rẻ hơn ngay lúc này khi Liên minh châu Âu cấm vận dầu thô và nhiên liệu của Nga và chính quyền đảng Dân chủ Hoa Kỳ cần xăng giá rẻ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ để có cơ hội giữ được thế kiểm soát lưỡng viện như hiện tại, dù rất mong manh.

Trong một lời khẳng định mang tính biểu tượng về sự thay đổi liên kết địa chính trị lớn, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cáo buộc Reuters đưa tin xấu và từ chối trả lời các câu hỏi từ hãng tin này tại một cuộc họp báo sau cuộc họp OPEC+ và phản hồi bằng khá nhiều lời bác bỏ đối với nhà báo Hadley Gamble của CNBC rằng OPEC+ đang đứng về phía Nga và vũ khí hóa dầu mỏ vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu rất cần tới dầu.

Nói tóm lại, OPEC+ đã thẳng thừng chứng minh rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà cảm thấy cần làm để bảo vệ lợi ích của chính mình, ngay cả khi điều này có nghĩa là đi ngược lại lợi ích của các đồng minh truyền thống, kể cả đồng minh lớn nhất của mình, là Mỹ.

Như Javier Blas của Bloomberg đưa ra trong một bài bình luận sau cuộc họp, “Mỹ và các đồng minh phương Tây cần phải chú ý. Lần đầu tiên trong lịch sử năng lượng gần đây, Washington, London, Paris và Berlin không có một đồng minh nào trong nhóm OPEC+”.

Người ta có thể tranh luận rằng sự thay đổi mang tính kiến ​​tạo về địa chính trị này quan trọng đối với tương lai của thế giới hơn là cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù chúng chắc chắn không tách rời nhau.

Ả Rập Xê-út đã tuyên bố mong muốn tham gia liên minh BRICS, điều này có thể được hiểu là tuyên bố ủng hộ khối Nga/Trung Quốc. Đồng minh thân cận nhất của họ tại khu vực Trung Đông, UAE, có xu hướng tuân theo chính sách đối ngoại của Riyadh, do đó, UAE đang có xu hướng rời xa phương Tây và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với một phương Đông mang tính biểu tượng và một nhóm theo nghĩa đen đại diện cho một phần đáng kể GDP toàn cầu.

Vì vậy, nếu nói một cách thẳng thắn và đơn giản, thì các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới sau Mỹ đang quay lưng lại với những đồng minh địa chính trị một thời của họ và đứng về phía kẻ thù. Điều đó đối với chính quyền Biden nghe có vẻ giống như một mối đe dọa, nhưng mối đe dọa đó sẽ có hình thức cụ thể nào?

Cho đến nay, phản hồi vẫn còn khá chung chung. Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Biden hôm thứ Tư cho biết ông “thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất” và đe dọa sẽ xem xét các động thái nhằm “giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng”.

Cách duy nhất để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng là thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng đây là điều mà Biden đã cam kết sẽ không làm và thậm chí cam kết sẽ ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, điều này thậm chí sẽ để lại ít lựa chọn hơn trong động thái phản hồi, chẳng hạn như chấm dứt giao vũ khí cho Riyadh.

Trên thực tế, một số đảng viên Dân chủ tại Quốc hội đã kêu gọi giảm mạnh việc giao vũ khí cho Vương quốc Saudi để đáp trả lại quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ khiến tổ hợp công nghiệp-quân sự khá không hài lòng với Nhà Trắng, điều này sẽ khiến khó mà đưa ra một quyết định như vậy.

Bên cạnh việc ngừng giao vũ khí cho Ả Rập Xê Út, còn có cách tiếp cận chiến dịch gây áp lực chính trị, khi một số người trên mạng xã hội đã nói đùa rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Washington bắt đầu nhận thấy sự lạm dụng nhân quyền và sự thiếu vắng dân chủ ở Vương quốc sa mạc.

Ngoài điều này ra, Washington có rất ít giải pháp để “trừng phạt” Riyadh - lãnh đạo của OPEC và đồng lãnh đạo của nhóm OPEC+ cùng với Moscow. Các biện pháp trừng phạt khó có thể là một quyết định thông minh nếu xét đến tầm quan trọng của Ả Rập Xê-út với tư cách là một nhà sản xuất dầu vào thời điểm nguồn cung dầu thiếu hụt ở phương Tây. Việc dỗ dành không mang lại hiệu quả và dường như không có tác dụng trong tương lai, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Ngày càng có vẻ khôn ngoan hơn khi giải quyết vấn đề này để tránh nguy cơ xa lánh hơn nữa với các đồng minh trước đây vốn có thể gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ- mà không gây thiệt hại về danh tiếng. Xét cho cùng, Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu thô nước ngoài lớn thứ ba của Hoa Kỳ.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM