Nếu có một điều chắc chắn về một trong những sự sụp đổ giá dầu tồi tệ nhất trong lịch sử, thì đó là không có một công ty nào trong ngành không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ này. Mọi người đều bị tổn thất: từ các nhà sản xuất đá phiến nhỏ của Mỹ đang cố gắng duy trì hoạt động đến các công ty dầu mỏ quốc tế đang phải cắt giảm cổ tức, cho tới các công ty dầu khí quốc gia (NOC) phải giảm đầu tư để bảo toàn tiền mặt trong khi tuân theo chỉ thị của chính phủ. Ba gã khổng lồ dầu mỏ quốc doanh của Trung Quốc cũng không ngoại lệ sau khi coronavirus và cuộc khủng hoảng dầu quét qua ngành công nghiệp dầu khí ngày khi Bắc Kinh ra chỉ thị cho các công ty dầu khí lớn nhất của mình thúc đẩy sản xuất dầu khí trong nước để tăng cường an ninh năng lượng tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Các nhà phân tích cho biết trong số các NOC ở châu Á, ba tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc - PetroChina, Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) – là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tất cả ba công ty đã báo lỗ trong quý đầu tiên và cắt giảm chi tiêu vốn (capex) cho năm nay khi giá dầu giảm và nhu cầu nhiên liệu thu hẹp làm giảm doanh thu của họ.
Trong tương lai, doanh thu dự kiến sẽ tiếp tục thấp trong năm nay và các khoản lỗ có thể sẽ gia tăng trong các quý tới. Triển vọng dài hạn sẽ sáng sủa hơn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và chỉ thị cho các công ty để thúc đẩy sản xuất dầu khí ở Trung Quốc.
Biến động thị trường dầu tác động tới các tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc ở châu Á
Trong ngắn hạn, các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ vụ sụp đổ giá dầu trong số các công ty do nhà nước kiểm soát ở châu Á, công ty dữ liệu và phân tích GlobalData cho biết trong một báo cáo trong tuần này.
Tác động của giá dầu thấp sẽ rất lớn đối với PetroChina và Sinopec và lớn đối với CNOOC, các nhà phân tích tại GlobalData cho biết.
PetroChina đã thực hiện các đợt cắt giảm chi phí vốn lớn nhất, khoảng 32% trong năm nay, trong khi CNOOC chịu thiệt hại nặng nề nhất xét về lưu lượng tiền mặt trong khâu thượng nguồn.
“Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) cho thấy tác động trong thượng nguồn đáng kể nhất khi dòng tiền mặt bị suy yếu mạnh do giá dầu thấp hiện tại và hiệu quả kém gần đây trong các nỗ lực thay thế dự trữ. Hai ông lớn này đã chứng kiến số nợ năm 2019 của họ tăng so với năm 2018 cùng với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu suy yếu đến năm 2020”, theo ông Cao Chai, nhà phân tích Dầu khí tại GlobalData.
Về phần mình, CNOOC được coi là nhạy cảm nhất với giá dầu thấp xét về dòng tiền sau thuế.
“Đây cũng là một trong những công ty làm ăn quốc tế lớn nhất trong nhóm với gần một nửa sản lượng đến từ mỏ dầu ở nước ngoài, điều này có thể có nghĩa là sẽ có thêm những gián đoạn và bất ổn từ thị trường quốc tế”, ông Chai nhận xét.
Các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc hiện đang ưu tiên cho việc tăng sản lượng dầu khí trong nước và cắt giảm hoạt động ở nước ngoài, theo nhà phân tích.
Thua lỗ gia tăng và cắt giảm chi phí vốn càng nhiều
Khi giá dầu lao dốc, CNOOC đã cắt giảm vốn và sản xuất tại các mỏ dầu ở nước ngoài của họ tại các lưu vực đá phiến của Mỹ và cát dầu của Canada. CNOOC đã giảm chỉ tiêu sản xuất ròng hàng năm cho năm 2020 từ 520-530 triệu thùng dầu tương đương (boe) xuống còn 505-515 triệu boe. Tổng vốn đầu tư cho năm 2020 đã bị cắt giảm từ 12- 13,4 tỷ đô la Mỹ (85-95 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc) xuống còn 10,6 - 12 tỷ đô la Mỹ (75-85 tỷ nhân dân tệ).
Sinopec đã báo lỗ cho Q1, bị kéo giảm bởi phân khúc tiếp thị và lọc dầu khi nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ, và nhu cầu nhiên liệu bị sụp đổ trong thời gian Trung Quốc phong tỏa để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
PetroChina, công ty cũng thua lỗ trong Q1, cho biết rằng “Đối mặt với tình trạng nghiêm trọng chưa từng có này, Công ty sẽ tập trung vào các dự án quan trọng của mình trong khi hạn chế các dự án nhỏ, nhấn mạnh vào việc cắt giảm chi phí cũng như tăng cường lợi nhuận và làm theo quan điểm về việc điều chỉnh chi phí dựa trên thu nhập”.
Trung Quốc, cũng như Úc, sẽ chứng kiến sự cắt giảm đầu tư lớn nhất do giá rớt, theo Andrew Harwood, giám đốc nghiên cứu thượng nguồn APAC của Wood Mackenzie.
“Tại Trung Quốc, các khu vực dầu kế thừa phải chịu sự già hóa và địa chất khó khăn. CNPC đã nhanh chóng tuyên bố cắt giảm nhiều mỏ dầu già của mình, với Lưu vực Ordos và khu phức hợp dầu Đại Khánh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty khác của Trung Quốc đang trì hoãn các dự án tăng trưởng”, ông Harwood nói.
Tại Châu Á Thái Bình Dương, các công ty dầu quốc gia của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất về dòng tiền và định giá, chủ yếu là do mỏ dầu già và chi phí cao, theo WoodMac.
“Giá trị thượng nguồn đã giảm trung bình 27% đối với 20 danh mục đầu tư lớn nhất châu Á Thái Bình Dương, đối với CNPC, Sinopec và Yanchang, mức giảm là hơn 40%” theo Harwood.
Tổn thất trong ngắn hạn, gặt hái trong dài hạn
Trong ngắn hạn, tất cả các công ty dầu khí ở Trung Quốc, bao gồm cả những công ty nhỏ và các công ty dầu quốc gia, sẽ phải chịu thiệt hại từ sự lao dốc giá, suy thoái kinh tế trong đại dịch và những nỗ lực để ngăn dịch.
Tài chính của các công ty Trung Quốc, bao gồm những công ty trong ngành dầu khí, đã bị ảnh hưởng và các vụ vỡ nợ trong thị trường trái phiếu nước ngoài đã gia tăng trong những tháng gần đây.
Theo hãng xếp hạng Fitch Ratings, giá dầu thấp năm nay sẽ làm xói mòn thu nhập thượng nguồn của các đại gia dầu mỏ nhà nước Trung Quốc, mặc dù sản lượng của họ được dự kiến sẽ tương đối ổn định bằng sự hợp lý hóa các mỏ dầu chi phí cao hơn.
Trong dài hạn, sự đẩy mạnh tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc bằng cách tăng sản xuất trong nước sẽ hỗ trợ đầu tư cao hơn từ các đại gia dầu mỏ Trung Quốc.
“Fitch nghĩ rằng quỹ đạo dài hạn cho chi tiêu vốn giữa các NOC Trung Quốc sẽ vẫn giữ nguyên, được củng cố bởi mục tiêu của quốc gia để cải thiện tỷ lệ độc lập năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, ngoài nhu cầu bổ sung dự trữ liên tục”, hãng xếp hạng tín dụng nhận định.
Nguồn tin: xangdau.net