Đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu trong những tuần gần đây cho thấy nhu cầu dầu đang phục hồi và có thể lên mức mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.
Thị trường dầu mỏ và các nhà dự báo đã và đang kỳ vọng vào sự phục hồi cuối năm này kể từ đầu năm 2021.
Hiện tại, xu hướng nhu cầu dầu ở các khu vực khác nhau đang trái chiều, với bức tranh ở châu Âu bị lu mờ bởi những đợt phong tỏa được gia hạn và sự hỗn loạn với các chương trình tiêm chủng ở nhiều quốc gia.
Nhưng mô hình đi lại và tiêu dùng ở nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, là Mỹ, và nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, Trung Quốc, cho thấy nhu cầu đang phục hồi đối với các sản phẩm dầu mỏ. Hai quốc gia này - những nước tiêu thụ dầu thô lớn - có thể dẫn dắt nhu cầu dầu toàn cầu thoát nguy và dẫn đến sự phục hồi tiêu thụ toàn cầu vào cuối năm nay.
Các thống kê về việc đi lại cho thấy người Mỹ đang lái xe và đi lại bằng đường hàng không trong tháng này với tỷ lệ cao nhất kể từ khi đại dịch buộc nước này phải áp lệnh ở nhà nhà và phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái. Nhu cầu nhiên liệu đường bộ của Trung Quốc đã quay trở lại mức trước COVID, với việc đi lại bằng đường hàng không cũng phục hồi từ mức thấp của năm ngoái.
Ngay cả ở châu Âu, nơi vẫn đang áp lệnh phong tỏa hoặc mới áp lại, các dấu hiệu từ Vương quốc Anh cho thấy người dân sẽ lên máy bay đến một điểm đến vào mùa hè đầy nắng ngay khi Vương quốc Anh nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế.
Như những tháng gần đây đã cho thấy, sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu sẽ không phải là một chặng đường suôn sẻ, với những ẩn số xung quanh các biến thể virus và hộ chiếu tiêm chủng.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Mỹ là đáng khích lệ, ở cả trong việc đi lại bằng đường bộ và đường hàng không, trong khi các giám đốc điều hành hãng hàng không tin rằng sự gia tăng gần đây trong việc đặt phòng có thể là dấu hiệu thực sự đầu tiên cho thấy sự phục hồi đang diễn ra.
Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu của hãng GasBuddy, đã tweet vào hôm Chủ nhật, nhu cầu xăng hàng tuần của Mỹ trong tuần tính đến ngày 20 tháng 3 đạt mức như trước COVID theo mùa. Theo dữ liệu của hãng theo dõi giá xăng GasBuddy, nhu cầu xăng của Mỹ vào thứ Bảy đã tăng 9,5% so với thứ Bảy trước đó, kết thúc tuần với mức tăng 5,9% và chính thức là tuần đầu tiên nhu cầu cao hơn 0,18% so với tuần trước COVID vào ngày 8 tháng 3 năm 2020.
Yêu cầu định tuyến tại Mỹ đã tăng 53% kể từ ngày 20 tháng 1 năm 2020, với sự gia tăng xảy ra trong năm nay, theo Báo cáo xu hướng di chuyển của Apple dùng để đo các tìm kiếm chỉ đường.
Ngoài ra, số liệu từ Cơ quan An ninh Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (TSA) cho thấy hơn 1 triệu hành khách đã đi qua các trạm kiểm soát tại các sân bay Mỹ trong 10 ngày liên tục cho đến hết ngày 20 tháng 3. Mặc dù con số này vẫn chỉ bằng một nửa lượng hành khách so với cùng ngày năm 2019, nhưng cao hơn gấp đôi so với lượng hành khách kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2020, khi các chuyến bay bắt đầu dừng hoạt động và mọi người ngừng bay.
Tại Anh, nơi hơn một nửa dân số trưởng thành hiện đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, lượng đặt phòng cho các kỳ nghỉ hè ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã tăng vọt trong những ngày sau khi các nhà chức trách cho biết mùa hè có thể là mùa lên máy bay một cách an toàn trở lại.
“Lượng vé phát hành trong tuần có thông báo này, ngày 22/2, đạt gần gấp 4 lần lượng vé phát hành của tuần trước. Rõ ràng là nhu cầu của người tiêu dùng đang kiên nhẫn chờ đợi các quyết định của chính phủ để thực hiện các động thái quan trọng”, Luis Millan, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường tại công ty phân tích du lịch ForwardKeys, cho biết.
Tại Trung Quốc, số lượng hành khách của các hãng hàng không nội địa đã tăng gần ba lần vào tháng 2 năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, khi phần lớn các chuyến bay đều đã hạ cánh, Bloomberg dẫn lời cơ quan quản lý hàng không dân dụng trong nước cho biết.
Dịch vụ theo dõi chuyến bay toàn cầu Flightradar24 cho biết trên toàn cầu, với 81.442 chuyến bay thương mại được theo dõi vào ngày 19 tháng 3, thế giới đã vượt tổng số chuyến bay cùng ngày của năm 2020 lần đầu tiên trong năm nay.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu có thể không trở lại mức trước COVID vào năm 2023. Tuy nhiên, các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Trung Quốc cho thấy dấu hiệu về sự đi lại bằng đường bộ và hàng không đạt mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch, điều này báo hiệu tốt cho nhu cầu nhiên liệu. Các chuyến du lịch vào mùa hè và nhu cầu bị dồn nén sau nhiều tháng phong tỏa vào cuối năm nay có thể chứng minh điều đúng đắn mà đa số giới phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021.
Nguồn tin: xangdau.net