Cuộc tấn công mới nhất của phiến quân Houthi ở Trung Đông - bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm thứ Hai - đã chuyển sự chú ý của những giới đầu tư trên thị trường dầu từ lo ngại về Omicron sang phần bù rủi ro địa chính trị về sự bùng phát căng thẳng tại khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất trên thế giới.
Cuộc tấn công hôm thứ Hai nhằm vào UAE, do phong trào Houthi liên kết với Iran tuyên bố nhận trách nhiệm, cũng có thể làm phức tạp thêm những gì có vẻ như vốn đã rất khó khăn tại các cuộc đàm phán ở Vienna về việc Hoa Kỳ và Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, mà có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran.
Iran đã phủ nhận họ đang hỗ trợ phiến quân Houthi ở Yemen về tài chính hoặc quân sự, nhưng phần còn lại của thế giới coi phong trào này là một sự ủy nhiệm cho các chính sách của Iran trong khu vực.
Cộng hòa Hồi giáo Iran, trong một tuyên bố thận trọng, gọi các cuộc tấn công là "những diễn biến gần đây liên quan đến Yemen" và nói rằng các cuộc tấn công không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng trong khu vực.
“Các cuộc tấn công sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna. Đây là hai vấn đề riêng biệt”, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters với điều kiện giấu tên vào hôm thứ Ba. “Những gì xảy ra ngày hôm qua là kết quả của cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Yemen,” ông này nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ một cuộc tấn công của Houthi nhằm vào một quốc gia vùng Vịnh Ả Rập vốn là đồng minh của Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi sẽ diễn ra mà Iran không hề hay biết hoặc đồng ý.
Angus Blair, giáo sư thực hành tại Đại học Cairo ở Ai Cập, nói với CNBC hôm thứ Ba: “Tôi nghĩ vấn đề chúng ta phải xác định, trước hết, đó là có phải trực tiếp người Houthis làm hay không. Sẽ không có gì xảy ra nếu không có sự đồng ý hoặc tham gia trực tiếp của Tehran".
Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Hai, mà phiến quân Houthi đã lên tiếng nhận trách nhiệm, đã giết chết 3 người và làm nổ tung các xe tải chở nhiên liệu gần các kho dự trữ thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC).
Houthis tuyên bố sẽ có các cuộc tấn công tiếp theo, trong khi liên minh do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã tiến hành các cuộc không kích vào thủ đô của Yemen để trả đũa cuộc tấn công vào UAE.
Ngoài nhiều dấu hiệu thắt chặt trên thị trường dầu thô thực tế, các hợp đồng dầu tương lai đã phản ánh phần bù rủi ro ngày càng tăng sau cuộc tấn công vào UAE trong khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu quan trọng nhất trên thế giới, nơi có hoạt động vận chuyển dầu quan trọng nhất, qua eo biển Hormuz.
Thêm vào đó, căng thẳng mới giữa Iran với các nước Ả Rập vùng Vịnh có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đã khó khăn của Iran, kể từ khi được nối lại vào mùa thu sau khi tổng thống Iran theo đường lối cứng rắn mới nhậm chức. Kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại, đã đạt được rất ít tiến triển về các vấn đề lớn và cả hai bên đều tỏ ra bi quan về việc đạt được một thỏa thuận.
Các nhà phân tích thị trường dầu đã hoãn lại các dự đoán về việc dầu thô của Iran trở lại hợp pháp đến năm 2023 và căng thẳng mới đây ở Trung Đông có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán.
Trong các bản tin mới nhất được đưa từ Vienna, Iran được cho là đang đòi hỏi sự đảm bảo pháp lý từ Hoa Kỳ rằng họ sẽ không từ bỏ thỏa thuận một lần nữa và khôi phục các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran, các nhà ngoại giao tham gia cuộc đàm phán nói với The Wall Street Journal vào đầu tuần này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh báo rằng cơ hội cho một thỏa thuận đang đóng lại.
“Tôi nghĩ, chúng tôi còn vài tuần nữa để xem liệu chúng tôi có thể quay trở lại sự tuân thủ lẫn nhau hay không”, Ngoại trưởng Blinken nói với NPR trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Năm tuần trước.
Cuộc tấn công vào UAE có thể làm phức tạp thêm việc đạt được một thỏa thuận, nhưng nó chắc chắn sẽ khiến thị trường dầu tập trung trở lại khu vực quan trọng nhất - và bất ổn nhất - Trung Đông.
Cuộc tấn công "sẽ gây lo ngại cho những người theo dõi thị trường dầu mỏ, những người cũng đang theo dõi sát sao quỹ đạo của các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra giữa Mỹ và Iran", Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích chính về khu vực Trung Đông Bắc Phi tại công ty theo dõi rủi ro Verisk Maplecroft, nói với Bloomberg trong tuần này.
“Khi các nhà đàm phán không còn thời gian, nguy cơ xấu đi trong môi trường an ninh của khu vực đang tăng lên,” Soltvedt nói thêm, lưu ý rằng cuộc tấn công cho thấy rõ mối đe dọa tiếp tục đối với cơ sở hạ tầng năng lượng ở Trung Đông, nơi mà phần bù rủi ro của dầu hiện đang “tăng lên rất nhiều”.
Nguồn tin: xangdau.net