Theo một báo cáo của Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, sự đấu đá nội bộ ngày càng tăng giữa các thành viên OPEC + có thể khiến các cuộc họp trong tương lai về chính sách sản xuất ngày càng trở nên khó khăn khi liên minh này điều hướng sự phục hồi sau đại dịch.
“Chúng tôi dự đoán sự chia rẽ và thỏa hiệp sẽ phổ biến hơn khi số lượng lớn các nước thành viên tham gia và các mục tiêu và ưu tiên cấp quốc gia của họ khác nhau”, ADCB cho biết trong một báo cáo ngày 27/1.
OPEC, Nga và một số quốc gia sản xuất chủ chốt khác đã bắt đầu nới lỏng mức cắt giảm sản lượng lịch sử được thiết lập vào năm 2020, từ 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-7 xuống 7,2 triệu thùng/ngày vào tháng 01.
Nhưng cuộc họp gần đây của OPEC+ vào ngày 4-5 tháng 1 được đánh dấu bởi những bất đồng đáng chú ý, khi một số quốc gia chịu áp lực tài chính và nhân khẩu học vận động hành lang để tăng hạn ngạch của họ, trong khi các thành viên khác, dẫn đầu là Ả Rập Xê-út, kêu gọi tiếp tục giữ kỷ luật sản xuất để vẫn hỗ trợ thị trường.
Cuối cùng, Ả Rập Xê-út đã thông báo đơn phương cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày cho tháng 2 và tháng 3, trong khi Nga và Kazakhstan được tăng nhẹ hạn ngạch và mọi thành viên khác đồng ý duy trì mức sản xuất trong tháng 1.
ADCB cho rằng OPEC + sẽ thấy khó đạt được sự đồng thuận khi tổ chức này nhóm họp lại.
Ủy ban giám sát do Ả Rập Saudi và Nga đồng chủ trì sẽ họp trực tuyến vào ngày 3 tháng 2 để đánh giá việc tuân thủ hạn ngạch của các thành viên và xem xét các dự báo thị trường. Liên minh OPEC + dự kiến sẽ triệu tập vào ngày 4 tháng 3 thông qua hội nghị qua video.
Báo cáo cho biết: “Việc tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc hỗ trợ giá dầu và tăng sản lượng vẫn còn là một điểm tranh luận quan trọng và gây tranh cãi, đặc biệt là với hầu hết các nước sản xuất dầu có công suất dự phòng có thể khai thác được ngay lập tức nếu cần thiết”.
Giá dầu Brent đã ổn định quanh mức 55 USD/thùng trong những tuần gần đây.
Báo cáo cho biết, Nga, một thành viên chủ chốt của liên minh nhấn mạnh rằng nước này vẫn thoải mái với giá dầu hiện tại và đang tìm cách tăng sản lượng khi nhu cầu hồi phục, có thể thúc đẩy sản lượng tăng.
Hơn nữa, Libya, hiện đang sản xuất trong khoảng 1 - 1,2 triệu thùng/ngày - gần với mức giữa năm 2019 - có thể bị buộc phải tham gia hiệp ước OPEC + trong cuộc họp tháng 3 sắp tới, ADCB cho biết. Hiện tại, Libya được miễn hạn ngạch do đã trải qua nhiều năm nội chiến.
Một nguồn tin của OPEC + giấu tên cho biết cuộc đấu đá nội bộ của nhóm đã đạt đến mức độ sôi nổi mới, với áp lực ngày càng tăng trong việc tăng sản lượng đến từ UAE và Iraq.
“UAE cho rằng, tại sao chúng tôi phải tiếp tục tuân theo thỏa thuận? Chúng tôi không phải Saudi, chúng tôi có kế hoạch ngân sách cụ thể, chúng tôi không thể cắt giảm ở hạn ngạch mà Saudi có thể cắt giảm”, nguồn tin cho biết.
Trong khi đó, Iraq từ lâu cho biết họ không thể tiếp tục cắt giảm sản lượng vì đang tìm cách tái thiết nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Đối mặt với trở ngại này, Saudi Arabia không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm thêm gây bất ngờ, nếu họ muốn hỗ trợ giá, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết: “Bây giờ Saudi Arabia phải gánh phần việc khó nhằn, tăng cắt giảm sản lượng. Saudi đang kiểm soát thiệt hại. Thị trường đang ở trong tình trạng thực sự tồi tệ”.
Nguồn tin: xangdau.net/ Platts