Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cho đến nay vẫn không thể đè bẹp hoạt động xuất khẩu dầu của Nga khi Moscow đang chuyển hướng dầu thô sang những người mua châu Á sẵn sàng hơn như là Trung Quốc và Ấn Độ. Các chủ tàu châu Âu, đặc biệt là các công ty khai thác tư nhân của Hy Lạp, đang vận chuyển rất nhiều dầu của Nga trong những tháng trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo đó, các chủ tàu chở dầu của Hy Lạp đã tăng cường vận chuyển dầu của Nga trong hai tháng qua khi họ chạy đua để kiếm lợi từ nhu cầu cao hơn đối với dầu Nga có giá rẻ tới Trung Quốc và Ấn Độ.
Một khi các lệnh trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển có hiệu lực vào tháng 12 này, các hãng khai thác tàu chở dầu của Hy Lạp sẽ phải ngừng vận chuyển dầu của Nga. Một đòn lớn hơn nữa đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường tàu chở dầu toàn cầu và giá dầu đến từ điều khoản thứ hai trong gói trừng phạt thứ sáu - các hãng tàu EU sẽ bị cấm bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia thứ ba.
Cho đến khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, các chủ tàu chở dầu ở châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, đang chuyển rất nhiều dầu của Nga sang châu Á, kiếm được rất nhiều tiền trong quá trình này. Các chủ tàu từ Hy Lạp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang háo hức tận dụng tình hình này, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Bằng cách vận chuyển dầu thô ESPO của Nga từ Kozmino đến bờ biển Trung Quốc, một chủ tàu có thể kiếm được 1,6 triệu đô la Mỹ - gấp ba lần số tiền mà họ kiếm được trước cuộc chiến ở Ukraine.
Đầu tháng này, Ukraine đã chỉ trích việc Hy Lạp vận chuyển dầu của Nga.
“Chúng tôi thấy các công ty Hy Lạp cung cấp gần như đội tàu chở dầu lớn nhất để vận chuyển dầu của Nga”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài phát biểu tại một hội nghị ở Athens qua đường dẫn video.
“Một lần nữa: điều này đang xảy ra ngay khi một nguồn năng lượng khác của Nga đang được sử dụng như một vũ khí chống lại châu Âu và ngân sách gia đình của mọi người dân châu Âu. Tôi chắc chắn rằng điều này không đáp ứng lợi ích của châu Âu, Hy Lạp hoặc Ukraine”, Zelensky nói thêm.
Các chủ tàu Hy Lạp đã thực hiện 151 lượt ghé cảng từ các cảng của Nga ở Baltic và Biển Đen trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 27 tháng 6, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Lloyd’s List tổng hợp sử dụng Lloyd’s List Intelligence. Số liệu cho thấy, gần một nửa tổng số dầu thô và các sản phẩm tinh chế được xuất khẩu từ các cảng biển Baltic hoặc Biển Đen được vận chuyển trên các tàu mà các chủ tàu chở dầu của Hy Lạp sở hữu. TMS Tankers của tỷ phú George Economou là công ty Hy Lạp lớn nhất trên thị trường Nga và đứng thứ hai xét về tổng thể, chỉ đứng sau Sovcomflot thuộc sở hữu của Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo dữ liệu.
Dữ liệu của Lloyd’s List cho thấy, các tàu chở dầu của Hy Lạp cũng đang tham gia vào các hoạt động chuyển từ tàu này sang tàu khác (STS) ở ngoài khơi Hy Lạp, Malta và phía nam Gibraltar.
Rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với thị trường tàu chở dầu toàn cầu khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực, nhưng nhu cầu dầu vẫn ở mức cao, do đó, tàu chở dầu sẽ được sử dụng trên các tuyến đường khác, Giám đốc điều hành của một công ty vận tải biển Hy Lạp nói với tờ Wall Street Journal.
“Họ sẽ đi những quãng đường dài hơn, có nghĩa là sẽ kiếm được nhiều tiền hơn,” giám đốc điều hành nói thêm.
Các nhà phân tích nhận định, việc chuyển giao STS “đen tối” đối với dầu thô của Nga, cùng với việc ngắt các bộ thu phát sóng trên tàu và cố gắng che giấu nguồn gốc của dầu, sẽ chỉ tăng lên khi các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực.
David Wech, Nhà kinh tế trưởng tại công ty cung cấp dữ liệu năng lượng Vortexa, đã viết vào cuối tháng trước:
“Nhu cầu xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm với khối lượng ngày càng tăng tới các điểm đến đường dài ở phía Đông kênh đào Suez, lý tưởng nhất là ngụy trang nguồn gốc để thu hút những người mua tiềm năng ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, có thể sẽ tăng lên trước khi gói trừng phạt thứ sáu của EU có hiệu lực vào cuối năm nay”.
Nguồn tin: xangdau.net