Chính phủ Đức được cho là đang lên kế hoạch áp dụng một loại thuế đặc biệt, theo đó các công ty dầu mỏ, khí đốt và than đá của nước này phải trả 33% lợi nhuận siêu ngạch, có khả năng tạo ra doanh thu từ một đến ba tỷ euro, Reuters đưa tin.
Được gọi là "đóng góp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của EU", loại thuế này có khả năng ảnh hưởng đến hàng chục công ty năng lượng và sẽ nhắm vào lợi nhuận năm 2022 và 2023. Reuters dẫn các nguồn tin của Bộ Tài chính cho biết thuế này sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022.
Nếu được thực thi, loại thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty dầu khí và than đá có lợi nhuận trong năm hiện hành và năm tới vượt quá 20% hoặc hơn mức trung bình trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, thuế này có một nhược điểm lớn: theo Katharina Beck, phát ngôn viên về các vấn đề tài chính của Đảng Xanh, khoản thuế dự kiến có thể bị lách trên quy mô lớn bởi các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Beck cho biết trong một tuyên bố của Reuters: “Dự thảo của Bộ Tài chính về thuế lợi nhuận siêu ngạch (windfall tax) đối với các công ty dầu khí không đạt được mức cần thiết”.
Lợi nhuận béo bở mà các công ty năng lượng ở nhiều quốc gia khai thác dầu kiếm được nhờ giá mặt hàng này cao đã thu hút sự chú ý, và đôi khi là sự tức giận của các chính phủ bằng việc áp đặt thuế lợi nhuận siêu ngạch.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã áp đặt thuế lợi nhuận siêu ngạch đối với các công ty dầu khí lớn khi chính phủ cố gắng giảm bớt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ của đất nước. Thủ tướng Sunak nói rằng khoản thuế này sẽ đánh vào các công ty năng lượng đang kiếm được “lợi nhuận cao bất thường” do giá mặt hàng này tăng đột biến. Chính phủ Anh đã áp đặt cái mà họ gọi là "thuế lợi nhuận năng lượng có mục tiêu tạm thời" với cái gọi là "trợ cấp đầu tư" ở mức 25% để khuyến khích các công ty dầu khí tái đầu tư lợi nhuận của họ.
Trong khi đó, vào tháng 8, Argentina đã áp thuế thu nhập siêu ngạch một lần đối với các công ty có thuế thu nhập được xác định cho năm tính thuế 2021 hoặc năm tính thuế 2022 ít nhất là 100 triệu đô AR (khoảng 752.000 đô la Mỹ). Biện pháp này được coi là một nỗ lực của chính phủ trung tả của Argentina nhằm giảm thâm hụt tài chính và kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức gần 70%.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ áp thuế cao hơn đối với các công ty dầu khí ghi nhận lợi nhuận siêu ngạch mà không tái đầu tư vào sản xuất, “Ngành dầu mỏ đã không đáp ứng cam kết đầu tư vào Mỹ và hỗ trợ người dân Mỹ,” Biden nhận định hôm thứ Hai, gọi lợi nhuận của ngành này là “hưởng lợi từ chiến tranh”.
Nguồn tin: xangdau.net