Sau một thời gian gián đoạn ngắn vào khoảng thời gian lệnh cấm vận của EU và mức trần giá mà G7 áp với dầu thô của Nga có hiệu lực, các nhà máy lọc dầu quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã khôi phục việc mua dầu thô Urals hàng đầu của Nga với giá thấp hơn nhiều so với mức trần 60 USD mà không vi phạm lệnh trừng phạt, các nguồn tin trong ngành nói với Reuters hôm thứ Tư.
Theo các nguồn tin của Reuters, các công ty lọc dầu nhà nước khổng lồ như PetroChina và Sinopec đã quay trở lại thị trường mua Urals với giá rẻ thông qua các công ty thương mại xử lý các khoản thanh toán cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ của Nga và sắp xếp các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm.
Các nhà máy lọc dầu nhà nước hàng đầu ở Trung Quốc không vi phạm các điều khoản của cơ chế giá trần và cũng không sử dụng tàu chở dầu hoặc bảo hiểm của phương Tây, các nguồn tin cho biết thêm.
Các nhà máy lọc dầu quốc doanh dự kiến sẽ nhận dầu thô Urals từ Nga trong tháng này, sau khi nhập khẩu loại dầu này lần cuối vào tháng 11 năm ngoái, ngay trước khi giá trần của G7 và lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12. Mặc dù ban đầu thận trọng về cách thức cơ chế này sẽ thực sự hoạt động, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc hiện đang quay lại mua và nhập khẩu dầu Urals.
Các giao dịch như vậy có lợi cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc khi họ nhập khẩu dầu thô với giá thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế, giúp tăng lợi nhuận từ việc tinh chế dầu thô giá rẻ vào thời điểm nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi sau khi kết thúc chính sách không Covid tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Việc này cũng có lợi cho Nga ở một mức độ nào đó – Moscow có một đại lý chính mới cho dầu Urals, trước đây chủ yếu xuất đến thị trường châu Âu trước khi Nga xâm lược Ukraine và có lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu thô của Nga.
Tuy nhiên, việc những thùng dầu Urals có giá rẻ hơn nhiều so với một năm trước đang làm giảm nguồn thu ngân sách của Nga, vốn đóng góp chủ yếu cho nguồn thu từ dầu mỏ.
Do giá của Urals thấp vào tháng 1, ngân sách của Nga đã thâm hụt 24,7 tỷ đô la (1,76 nghìn tỷ rúp) trong tháng 1, so với thặng dư vào tháng 1 năm 2022, khi doanh thu nhà nước từ dầu mỏ và khí đốt giảm 46,4% do giá dầu Urals thấp và xuất khẩu khí tự nhiên ít hơn, Bộ Tài chính Nga cho biết trong các ước tính sơ bộ vào tuần trước.
Nguồn tin: xangdau.net