Chỉ vài năm trước đây, khí thoát ra cùng với dầu bị mắc kẹt trong các mảng đá phiến về cơ bản được coi là chất thải. Khí đồng hành đã bị đốt bỏ - và nó vẫn còn ở một số phần trong đá phiến - nhưng ý tưởng sử dụng nó rất tốn kém và khó thành hiện thực. Không có đủ đường ống để vận chuyển khí đốt đến các nhà máy hóa lỏng đã được xây dựng dọc theo Bờ Vịnh, cũng như không có nhu cầu lớn về loại khí này, với hầu như mọi dự báo đều cho thấy nguồn cung khí đốt tự nhiên trên toàn cầu ở mức dồi dào cho tương lai gần. Nhưng đến khi Nga xâm lược Ukraine, mọi thứ đã thay đổi.
Hiện tại, giá khí đốt ở châu Âu khoảng 90 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, tương đương với 550 USD cho một thùng dầu, Bloomberg cho biết trong một bài báo gần đây. Do đó, hầu như không lấy gì làm ngạc nhiên khi các công ty khoan đá phiến đang chuyển từ khoan dầu sang khoan khí, với lượng khai thác khí đã tăng 50% kể từ đầu năm.
Sản lượng khí đốt tự nhiên ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay trong năm nay, với mức trung bình hàng ngày đạt 2,89 nghìn tỷ feet khối, chuyên gia ngành Robert Rapier chỉ ra trong một câu chuyện gần đây trao đổi với Forbes. Ông cho biết thêm rằng điều này sẽ không dẫn đến hóa đơn khí đốt của người tiêu dùng giảm bớt.
Việc đổ xô vào khoan khí đốt chắc chắn được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu, mà khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ hóa ra lại là giải pháp thay thế dễ dàng nhất, nếu không muốn nói là rẻ nhất. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu LNG đang tăng, tiêu thụ khí đốt tại Mỹ cũng cao do các nhà máy điện than tiếp tục ngừng hoạt động, thay thế bằng các cơ sở sử dụng khí đốt tự nhiên.
Trên thực tế, cân bằng cung- cầu rất mong manh, như nhà báo John Kemp của Reuters đã đưa tin hồi đầu tháng này, các công ty khoan khí đốt của Mỹ đã phải gấp rút bắt kịp nhu cầu, cả trong nước và quốc tế.
Leo Mariani, nhà phân tích của MKM Holdings, nói với Bloomberg: “Có vẻ như dầu đã bị ảnh hưởng nặng nề do những lo ngại về nền kinh tế gần đây và khí đốt đã âm thầm có tăng trưởng thực sự tốt trên cơ sở tương đối trong năm nay."
Điều quan trọng hơn đang diễn ra tương đối lặng lẽ đó là thực tế các công ty khoan đá phiến của Mỹ đang chuyển từ khoan dầu sang khoan khí đốt. Nói cách khác, họ đang giảm hoạt động khai thác dầu để chuyển sang hoạt động khai thác khí đốt. Trong một môi trường nguồn cung dầu cũng eo hẹp, xu hướng này cuối cùng có thể có những tác động đáng kể đến sự an toàn của nguồn cung và giá cả.
Triển vọng cũng không sáng sủa hơn đối với khí đốt. Sự sụp đổ gần đây của Driftwood LNG do Tellurian dẫn đầu có nghĩa là các công ty LNG của Hoa Kỳ có thể không dễ dàng để huy động vốn mà họ cần để mở rộng công suất đủ nhanh. Và điều này có nghĩa là tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ còn kéo dài.
Trớ trêu thay, như tờ FT đã đề xuất trong một bài báo về những tai ương của Tellurian, những hoài nghi về sự thời gian tồn tại của nhu cầu khí đốt có thể là gốc rễ của các vấn đề kinh phí mà Tellurian gặp phải.
Clark Williams-Derry, nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng và Tài chính, một tổ chức tư vấn, nói với FT, “Những gì tôi thấy là sự kết thúc cho sự hưng phấn và sự cường điệu về LNG của Hoa Kỳ và việc đánh giá lại những dự án nào trong số những dự án này sẽ thực sự khả thi về mặt tài chính trong 20 năm tới”.
Đây chắc chắn là một tin xấu đối với châu Âu, vì có vẻ như khối này có kế hoạch gần như hoàn toàn chuyển sang sử dụng LNG để thay thế cho càng nhiều nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga càng tốt, và lấp đầy bằng khí nhập khẩu từ Na Uy.
Tuy nhiên, đó có thể là một tin tốt cho Hoa Kỳ. Càng ít khí đốt được xuất khẩu ở dạng hóa lỏng thì thị trường nội địa càng có nhiều nguồn cung và giá cả sẽ càng phải chăng hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khả năng quay trở lại mức giá của một vài năm trước là khá khó xảy ra.
Nguồn tin: xangdau.net