Bất chấp trữ lượng dầu khổng lồ đang chờ được khai thác, các lệnh trừng phạt đang diễn ra đối với dầu của Venezuela cũng như tình hình chính trị và nền kinh tế hiện tại đang khiến các công ty dầu mỏ quốc tế rời bỏ thị trường năng lượng Venezuela.
Theo đó, các công ty quốc tế đang bắt đầu từ bỏ Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đã được xác minh lớn nhất thế giới, ở mức 304 tỷ thùng, do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và tình hình chính trị của quốc gia này tạo ra quá nhiều rủi ro đối với hoạt động đầu tư đang diễn ra.
Vào mùa hè này, cả TotalEnergies và Equinor đều thoái vốn sở hữu của họ trong Petrocedeno, công ty thuộc sở hữu nhà nước của Venezuela, để lại cho PDVSA toàn bộ vốn chủ sở hữu, một động thái cho thấy họ đang từ bỏ cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Mỹ Latinh sau nhiều thập kỷ đầu tư.
Petrocedeno hoạt động tại Vành đai Orinoco của Venezuela, khai thác dầu thô siêu nặng, dầu này được vận chuyển để nâng cấp chất lượng và pha trộn để trở thành một loại dầu thô nhẹ hơn, phù hợp để xuất khẩu.
Theo TotalEnergies, lý do khiến công ty rút lui là vì các hoạt động tại Vành đai Orinoco không thể đáp ứng các tiêu chí môi trường mới của công ty vì Total cam kết sẽ chỉ đầu tư vào các dự án dầu carbon thấp trong tương lai.
Equinor cũng tránh việc đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hay tình hình chính trị Venezuela về việc rút lui của mình, thay vào đó viện lý do tập trung vào các khu vực cốt lõi quốc tế và các khu vực địa lý ưu tiên, nơi Equinor có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.
Nhưng nếu các ông lớn dầu mỏ ngừng đầu tư, do tình trạng hiện tại của nền kinh tế quốc gia, Venezuela sẽ không thể duy trì ngành công nghiệp dầu khí của mình, khi hàng tỷ thùng dầu bị bỏ lại trong lòng đất. Sự sụt giảm sản lượng dầu của quốc gia này, từ khoảng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2017 xuống chỉ còn 480.000 thùng/ngày vào năm 2020, khiến Venezuela phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và nền kinh tế bị tổn hại.
Svetlana Doh, nhà phân tích dầu khí thượng nguồn tại GlobalData, giải thích về tình hình thiếu hụt nhiên liệu và phản ứng, “Nhà máy nâng cấp Petrocedeno được lên kế hoạch tái thiết kế để sản xuất naphta làm nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu. Về cơ bản, điều này có nghĩa là các nhà máy lọc dầu trong nước đang rất cần được cải tạo hoặc thậm chí đơn giản là bảo dưỡng, đến mức bây giờ các nhà máy nâng cấp phải thực hiện một bước tinh chế cho chúng. "
Ngoài ra, “Việc chuyển đổi các nhà máy nâng cấp có thể rất khó khăn, vì nó sẽ yêu cầu thiết bị mới, trong khi PDVSA thiếu tiền mặt hầu như không thể tìm ra ngân sách để tiến hành bảo dưỡng sơ cấp các nhà máy lọc dầu của mình. Sự sụt giảm liên tục của sản lượng dầu thô ở Venezuela, vốn là trụ cột chính của nền kinh tế đất nước, cùng với các lệnh trừng phạt của Chính phủ Mỹ, đại dịch Covid-19, tham nhũng trong chính phủ và thiếu đầu tư đã khiến nước này sụp đổ”, Doh kết luận.
Ngay cả trước khi sự thay đổi trong ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela diễn ra vào mùa hè này, con số sản lượng đã giảm mạnh do thiếu chất pha loãng cần thiết để pha trộn dầu thô cực nặng, làm cho nó phù hợp cho xuất khẩu. Vào tháng 8, sản lượng tại Orinoco giảm 1/4 xuống dưới 300.000 thùng/ngày. Sự thiếu hụt xảy ra do quyết định sử dụng các loại dầu thô vừa và nhẹ để ứng phó với tình trạng khan hiếm nhiên liệu động cơ của cả nước thay vì ưu tiên pha loãng dầu thô nặng hơn. Nếu nước này phải tiếp tục chiến lược này để trụ vững, nó có thể có tác động đáng kể đến sản lượng và số liệu xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2021.
Petroleos de Venezuela thuộc sở hữu nhà nước (PDVSA) đã thay đổi cách xử trí vào tháng trước khi nhập khẩu 620.000 thùng chất ngưng tụ pha loãng để hỗ trợ ngành công nghiệp lọc dầu của mình. PDVSA cũng đang xem xét việc sử dụng các loại dầu thô tổng hợp để duy trì mức sản lượng do các lựa chọn nhập khẩu của Venezuela bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ngành dầu khí nước này.
Một trong số ít những hy vọng của Venezuela là cường quốc dầu mỏ mới nổi Trung Quốc. Dự kiến sẽ giữ cho nhu cầu dầu quốc tế ở mức cao trong thập kỷ tới khi các đối tác châu Âu và Mỹ chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng thay thế, Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các dự án dầu mới.
Khi ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela phải đối mặt với những thách thức tồi tệ nhất từ trước đến nay, với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ làm hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng của nước này và sự rút lui của các công ty khai thác dầu mỏ quốc tế, Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội tăng cường sự hiện diện của mình ở Mỹ Latinh, lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại.
Khi Trung Quốc có vẻ sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nơi lọc dầu và nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong năm nay, quốc gia này dường như sẵn sàng phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran để đáp ứng nhu cầu dầu của mình. Và vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, China Concord Petroleum Co (CCPC) đã thuê các tàu để vận chuyển hơn 1/5 lượng dầu xuất khẩu của Venezuela mà không quan tâm đến các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, mối quan hệ năng lượng Venezuela-Trung Quốc không hề dễ dàng, với các mức thuế mới mà Trung Quốc áp đặt đối với dầu thô chua nặng vào đầu năm nay đe dọa đến mối quan hệ xuất khẩu của Venezuela với nước này. Các mức thuế mới được cho là sẽ khiến biên lợi nhuận đối với dầu thô của Venezuela quá thấp để có thể biện minh cho việc đầu tư. Tuy nhiên, với sự thay đổi gần đây trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, có vẻ như Trung Quốc có thể vẫn chưa từ bỏ.
Khi các công ty khai thác dầu mỏ quốc tế rút khỏi Venezuela, khiến ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia bị thiếu hụt vốn, trong lúc nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và chất pha loãng nghiêm trọng, liệu Trung Quốc có lao vào cứu vãn tình hình, mở rộng thị trường dầu mỏ mới nổi cuả mình sang Mỹ Latinh?
Nguồn tin: xangdau.net