Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các công ty tiêu thụ dầu lớn tranh thủ chốt dầu giá rẻ trước khi có sự thay đổi

Những công ty tiêu dùng nhiên liệu công nghiệp lớn đã nhảy vào phòng ngừa rủi ro trên thị trường phái sinh trước những đợt tăng giá nhiên liệu trong tương lai bằng cách mua các hợp đồng mua dầu Brent khi giá dầu chuẩn quốc tế giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào tuần trước.

Vị thế mua của các đại lý hoán đổi đối với dầu thô Brent đã tăng vọt nhờ mức tăng kỷ lục lớn thứ ba trong tuần trước khi các giao dịch mua tự do để kiếm lợi nhuận từ giá cao hơn tăng tốc.

Các hãng tiêu dùng công nghiệp như các hãng hàng không và các công ty vận tải thường phòng ngừa rủi ro khi tiếp xúc với thị trường dầu mỏ và nhiên liệu. Khi mua các công cụ phái sinh trong các giao dịch OTC, họ sẽ thu được lợi nhuận từ giá dầu thô cao hơn như một biện pháp phòng ngừa trước sự gia tăng chi phí nhiên liệu.

Vì vậy, tuần trước, các vị thế mua dầu Brent do các đại lý hoán đổi nắm giữ - thường được coi là đại diện cho các biện pháp phòng ngừa rủi ro của người tiêu dùng công nghiệp - đã tăng gần 50.000 lô, theo dữ liệu của Bloomberg. Nhìn chung, lệnh mua mà các đại lý hoán đổi nắm giữ ở mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2023 và là mức tăng lớn thứ ba trong lịch sử. Vị thế mua của các đại lý hoán đổi tiêu chuẩn diesel của Châu Âu đạt mức cao nhất kể từ năm 2020.

Đầu tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu toàn cầu và lần điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp đối với ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu của OPEC.

Vào ngày 10 tháng 9, cả dầu Brent và dầu chuẩn WTI của Mỹ đều ở mức thấp gần ba năm – mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2021.

Các nhà phân tích nói với Bloomberg rằng sự sụt giảm giá đã khiến người tiêu dùng mua mạnh, thể hiện rõ trong các giao dịch phái sinh.

Trong khi đó, các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý danh mục đầu tư khác đã bán mạnh các hợp đồng tương lai và quyền chọn trong các hợp đồng xăng dầu được giao dịch nhiều nhất vào tuần trước.

Lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận, kể từ năm 2011, các nhà quản lý tiền tệ nắm giữ vị thế bán ròng Brent. Mua ròng - chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống- đã chuyển sang vị thế bán ròng trong tuần báo cáo tính đến ngày 10 tháng 9, do các nhà đầu cơ và nhà giao dịch vẫn lo ngại về mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu thấp hơn dự kiến. Sự yếu kém trong các chỉ số kinh tế của Trung Quốc và lợi nhuận lọc dầu giảm đã làm trầm trọng thêm tâm lý bi quan đối với dầu trong hai tuần đầu tháng 9.

“Sự sụt giảm gần 7% của giá dầu thô thông qua các mức hỗ trợ kỹ thuật đã gây ra sự kết hợp giữa thanh lý vị thế mua và bán khống mới, khiến tổng giá trị mua ròng kết hợp tăng lên trong hợp đồng WTI và Brent ở mức thấp nhất trong 12 năm,” Ole Hansen, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, viết trong tuần này, bình luận về báo cáo số lượng giao dịch của các nhà đầu tư được đưa ra bởi Hiệp hội giao dịch thị trường tương lai (COT).

Hơn nữa, sự suy yếu kéo dài trên thị trường nhiên liệu tinh chế đã giúp thúc đẩy vị thế bán ròng trong hợp đồng dầu diesel tương lai của Châu Âu và Hoa Kỳ tăng lên.

Hansen cho biết thêm: “Kết hợp 5 hợp đồng dầu thô và nhiên liệu lớn, vị thế mua ròng của các hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, khi ICE Exchange bắt đầu thu thập dữ liệu về dầu Brent và khí đốt”.

Trong số các hợp đồng riêng lẻ, Brent lần đầu tiên bị bán mạnh và bán ròng. Vị thế mua ròng của WTI đã giảm nhưng vẫn ở trên mức thấp năm 2023.

Đầu tuần này, các quỹ phòng hộ đã quay trở lại mua vào trong bối cảnh nguồn cung dầu tiếp tục bị gián đoạn ở Libya và hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ bị gián đoạn do Bão Francine.

Giá dầu thô phục hồi phần nào vào đầu tuần do một phần đáng kể công suất sản xuất của Mỹ ở Vịnh Mexico vẫn bị đóng cửa.

Tâm lý thị trường cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Fed có thể tích cực cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm nay.

Hành động của Fed về mặt lãi suất, nhu cầu ở Trung Quốc và các nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn khác cũng như các chính sách quản lý thị trường của nhóm OPEC+ sẽ tiếp tục chi phối các câu chuyện trên thị trường dầu mỏ cũng như quyết định của các nhà giao dịch và công ty tiêu thụ dầu lớn về cách thức phòng ngừa các vụ đặt cược của họ.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM