Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Buôn lậu xăng dầu vùng biển Tây Nam bộ diễn biến rất phức tạp

Tình hình buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua tuyến biên giới Tây Nam đang diễn biến phức tạp nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Trong 6 tháng qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nam bộ đã phát hiện và bắt giữ hơn 290 vụ buôn lậu về xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường v.v… trị giá hàng hóa gần 22 tỷ 300 triệu đồng. Trong đó có gần 1 triệu 800 ngàn lít xăng dầu và gần 300.000 bao thuốc lá. Hiện các mặt hàng buôn lậu nhiều nhất qua biên giới là xăng dầu, thuốc lá và đường cát.

Đặc biệt là tình hình buôn lậu xăng dầu ngày càng diễn biến phức tạp trên vùng biển tỉnh Kiên Giang và biên giới ở tỉnh An Giang. Do giá xăng dầu trong nước chênh lệch từ 2.500 đồng đến 4.000 đồng/l so với các nước trong khu vực. Trên biển Kiên Giang, 1 cặp tàu đánh bắt trong 1 tháng nếu mua xăng, dầu lậu sẽ tiết kiệm được từ 45-60 triệu đồng so với mua trong đất liền, lại vừa tiết kiệm thời gian. Đây là một khó khăn trong công tác chống buôn lậu xăng dầu hiện nay.

Buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam bộ đang diễn biến rất phức tạp. (Ảnh: Báo Biên Phòng)

Bà Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban chỉ đạo 389 của tỉnh cho biết, các đơn vị bán xăng dầu chỉ có cơ sở bán trên bờ chứ chưa có phương tiện cung cấp xăng dầu cho tàu đánh bắt trên biển, đây là yếu tố cho các chủ tàu mua lậu xăng dầu ngoài khơi.

Theo nhiều cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu ở khu vực Tây Nam bộ, hiện nay lực lượng chống buôn lậu và bộ đội biên phòng còn rất mỏng, phương tiện làm việc chưa đầy đủ, thực thi pháp luật chưa nghiêm, nên vẫn diễn ra tình trạng buôn lậu trên biển. Để công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả hơn, nhiều địa phương cho rằng cần điều chỉnh một số quy định chưa hợp lý trong việc xử phạt hành chính đối với đối tượng buôn lậu, tăng quyền xử lý của bộ đội biên phòng, huy động được toàn dân tham gia chống buôn lậu và để lại 50% tổng giá trị hàng hóa buôn lậu cho lực lượng chống buôn lậu.

Nhiều địa phương cũng kiến nghị cho lắp đặt camera tại một số điểm trọng điểm ở các tuyến giới. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương Long An, Phó Ban chỉ đạo 389 của tỉnh này kiến nghị: “Chính phủ có chính sách về phát triển kinh tế, xã hội tăng thu nhập cho người dân vùng viên. Quy chế chế phối hợp hoạt động của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An, Tây Ninh và TPHCM cần chặt chẽ hơn thì sẽ hạn chế buôn lậu”.

Trước tình hình buôn lậu qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng sẽ triển khai kế hoạch sát với tình hình địa bàn, xác định cụ thể địa bàn trọng điểm, kiểm soát vùng biển, tàu thuyền, ngư dân khi ra biển, cửa khẩu đường mòn, lối mở và khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới. Bộ tư lệnh cũng xác định và quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu ở địa bàn mình.

“Phối hợp với các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung khảo sát đánh giá đường dây, ổ nhóm buôn lậu để phòng chống có hiệu quả, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Camphuchia” - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết.

Để công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại có hiệu quả hơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nam bộ và ban chỉ đạo 389 các tỉnh này nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, không để hàng hóa buôn lậu tập kết sát biên giới. Bộ đội biên phòng làm tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với địa phương để đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

“Phải phòng chống tội phạm ngay trong lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… không chỉ trong bộ đội biên phòng mà ở các lực lượng khác. Quản lý chặt chẽ nội bộ, phải kịp thời điều chuyển chuyển công tác khác đối với các chiến sĩ có biểu hiện tiêu cực tiếp tay, bao che cho buôn lậu, tăng cường kiểm soát biên giới, vùng biển với đổi mới công tác chống buôn lậu những biện pháp hữu hiệu, bám sát tỉnh hình...” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Để công tác chống buôn lậu qua biên giới có hiệu quả thì bên cạnh việc giáo dục tư tưởng chính trị cho lực lượng thực thi công vụ thì phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Đặc biệt, các cơ quan này cần được trang bị thêm những trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công việc./.

Nguồn tin:  vietnambiz.vn
 

ĐỌC THÊM