Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Buôn lậu xăng dầu gây thất thu nghiêm trọng

“Trước diễn biến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và an ninh quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh với vấn nạn này…" 

Lực lượng hải quan phát hiện, xử lý tàu buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Thanh Hóa.

Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Hồ Quang Thái đã nói, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Ban Chỉ đạo 389 nhận định, đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay, thưa ông?

Ông Hồ Quang Thái: Theo đánh giá của chúng tôi, hoạt động buôn lậu xăng dầu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước trong quản lý kinh doanh xăng dầu, làm thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng; tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, việc hoạch định, xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp cả trên đường biển và trên đường bộ. Số vụ, số lượng xăng dầu, tính chất nghiêm trọng ngày càng gia tăng; có vụ việc buôn lậu đặc biệt lớn trên 5 triệu lít. Đặc biệt trên tuyến biển, đối tượng tham gia buôn lậu đa dạng, gồm cả người Việt và người nước ngoài, với nhiều quốc tịch khác nhau. Phương thức thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng móc nối chặt chẽ thành đường dây khép kín, rất khó phát hiện.

PV: Thưa ông, trong những năm qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tấn công quyết liệt, phát hiện và triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm song vấn nạn buôn lậu vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Hồ Quang Thái: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu gia tăng do nhiều vấn đề cả chủ quan và khách quan. Cụ thể: Hoạt động buôn lậu mặt hàng này thu lợi rất cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng chưa có sự đồng bộ, thống nhất cao. Đặc biệt là một số quy định của Nhà nước trong quản lý kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập…

Thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam là 20%, ngoài ra còn các khoản thuế, phí khác... Trốn được khoản thuế, phí này khiến giá xăng dầu chênh lệch rất lớn. Thực tế, giá xăng trên biển chỉ khoảng 7.000đồng - 8.000 đồng/lít, trong khi giá nội địa khoảng hơn 16.000đ/lít. Hiện tại, đã hình thành các nhóm tàu nước ngoài buôn lậu xăng dầu mua bán trên các vùng biển tiếp giáp Việt Nam - Indonesia - Thái Lan - Campuchia. Các tàu đánh bắt của ngư dân Việt Nam chỉ mua đủ cơ số xăng dầu chạy ra vùng biển đánh bắt hải sản, trong quá trình lưu lại ngoài khơi sẽ mua xăng dầu lậu trên biển.

Để ngăn chặn đối tượng buôn lậu lợi dụng trốn nhiều loại thuế, phí và lệ phí cần điều chỉnh cơ chế chính sách nhập khẩu, quy định lưu thông hàng hóa trên thị trường, thủ tục hóa đơn chứng từ phải chặt chẽ. Khảo sát một số nơi cho thấy, còn nhiều sơ hở trong quản lý dẫn đến việc hợp thức hóa hóa đơn chứng với mặt hàng xăng dầu khá dễ dàng.

Trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển xăng dầu trên biển. Tại thời điểm kiểm tra đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ nhưng chỉ trong vòng 24h, các đối tượng có thể mang đến một bộ hóa đơn, chứng từ đầy đủ chứng minh được nguồn gốc hợp đồng giữa công ty A vận chuyển cho công ty B hoặc cho đại lý phân phối. Đây là khó khăn, bất cập cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh với hành vi vi phạm…

PV: Thời gian qua, các lực lượng chức năng của ngành Tài chính đã có nhiều giải pháp quyết liệt chống buôn lậu, thất thu ngân sách đối với mặt hàng xăng dầu, ông đánh giá thế nào về nỗ lực này?

Ông Hồ Quang Thái: Trong thời gian qua, ngành Tài chính là một trong số các ngành triển khai quyết liệt các biện pháp chống buôn lậu, trốn thuế đối với mặt hàng này. Bộ Tài chính đã chỉ đạo hải quan giám sát hoạt động nhập khẩu xăng dầu, kiểm soát chặt đối với các lô hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp, đại lý đầu mối nhập khẩu; tăng cường công tác chống buôn lậu trên tuyến biển, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng... Nhiều vụ buôn lậu lớn đã bị khởi tố.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo ngành Thuế phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương tiến hành dán tem các thiết bị đo của cây xăng nhằm kiểm soát được đầu ra của sản phẩm. Bước đầu cách làm này đã tỏ ra có hiệu quả. Ví dụ, nếu doanh nghiệp bán 1 triệu lít chỉ khai bán được 500.000 lít, sẽ trốn được thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Đồng thời, hai ngành Hải quan và Thuế đã tiến hành kiểm tra chéo để phát hiện số lượng chênh lệch giữa số lượng nhập khẩu và số lượng bán ra của doanh nghiệp, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Nguồn tin: Thoibaotaichinh.vn

ĐỌC THÊM