Ngày 18/3, các nhà lãnh đạo ngành năng lượng đã dẫn chứng tình trạng giảm sút mạnh hoạt động đầu tư vào ngành này có thể đưa đếnmột kết cục buồn là sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay chấm dứt, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác bắt nguồn từ giá dầu tăng vọt.
Tại một cuộc hội thảo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các đại diện của giới tiêu dùng, sản xuất, các công ty dầu lửa quốc gia và quốc tế đã nhất trí cho rằng, giá dầu thấp hiện nay đồng nghĩa với việc các dự án đầu tư vào ngành này bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho biết: "OPEC có khoảng 150 dự án, song đã có 35 dự án bị trì hoãn".
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, đã cảnh báo rằng việc trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn cung cấp dầu trong tương lai. Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi Arabia Ali al-Naimi cho rằng: "Tình trạng khan hiếm nguồn cung như vậy sẽ là một thảm họa" và "không sớm thì muộn, nó sẽ gây ra hậu quả thảm khốc, nhấn chìm nền kinh tế vốn đã bị “chệch đường tàu'".
Giới phân tích cho rằng những khoản tín dụng cho các dự án dầu khi bị ngưng lại sau khi giá dầu giảm 100 USD so với mức cao kỷ lục hồi tháng 7/2008 đã khiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn thế giới giảm 12%. Trong khi đó, các dự án tốn kém hơn - chẳng hạn như dự án dầu cát của Canađa - đã bị trì hoãn và các loại năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã trở nên kém khả thi hơn.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đại diện cho các quốc gia tiêu thụ dầu, dự đoán nhu cầu về dầu giảm do sản lượng kinh tế giảm sút. Tuy nhiên, nguồn cung đang giảm nhanh và IEA đã liên tục cảnh báo về khả năng khan hiếm năng lượng trong tương lai.
Giám đốc điều hành IEA Nobuo Tanaka cho rằng, việc trì hoãn và hủy bỏ các dự án sản xuất dầu sẽ khiến nguồn cung giảm gần 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong đó, khoảng 700.000 thùng hao hụt là do các dự án bị trì hoãn của OPEC.
Hiện còn quá sớm để nhận định đầu tư năng lượng hiện nay có đến mức cạn kiệt như trong thời kỳ giá dầu giảm hồi cuối những năm 1990 hay không. Tuy nhiên, tại hội nghị ngày 18/3, không nước sản xuất dầu nào trình bày những dự án đầu tư mới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay và sự giảm sút mạnh nhất về nhu cầu dầu kể từ thập niên 80.
Tại cuộc hội thảo trên, mặc dù cả các nước sản xuất lẫn tiêu thụ dầu đều cho rằng, trong bối cảnh giá dầu ở mức 45 USD, việc đầu tư vào ngành này là điều khá rủi ro, song vẫn không thể nhất trí về về việc mức giá dầu ổn định và hợp lý là bao nhiêu.
John Lipsky - nhân vật số 2 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ "giá dầu giảm so với mức đỉnh điểm năm 2008 là nhân tố quan trọng hỗ trợ sức mua của các nước và các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng. Điều đó chắc chắn sẽ có ích trong bối cảnh hiện nay".
Vấn đề ở đây là kinh tế càng phục hồi nhanh, nhu cầu về dầu càng tăng sớm và kéo theo nguy cơ giá dầu tăng. Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi Arabia al-Naimi nói: "Nếu chúng ta không coi trọng công tác chuẩn bị cho tương lai, việc thiếu hành động có thể trở lại ám ảnh chúng ta thông qua việc thiếu hụt nguồn cung và một đợt giá dầu cao khác".
(Kinh tế và đô thị)