Giá dầu thế giới tiếp tục đà trượt dốc xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử, trong bối cảnh cuộc chiến giá dầu giữa Nga và A-rập Xê-út tiếp diễn.
Ảnh minh họa
Hai Tổng thống Nga và Mỹ đã nhất trí để quan chức dầu mỏ hai nước tiến hành các cuộc tham vấn song phương nhằm "bắt tay" ổn định thị trường năng lượng, tránh gây thiệt hại cho hai nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
Những ngày qua, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ ở mức 20 USD, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc xuống 23 USD/thùng, mức thấp nhất trong 18 năm qua. Giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa cũng như hạn chế đi lại nhằm phòng, chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu dầu mỏ giảm. Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc không phanh còn do các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới A-rập Xê-út và Nga chạy đua tăng sản lượng sau khi hai bên không đạt thỏa thuận cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác ngoài khối (OPEC+).
A-rập Xê-út tuyên bố sẽ không đàm phánvới Nga để cân bằng thị trường dầu mỏ bất chấp sức ép ngày càng tăng từ Mỹ, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện muốn ngăn đà lao dốc của giá dầu. A-rập Xê-út thậm chí còn cho biết sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu thêm 600 nghìn thùng/ngày, lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5 tới. Nguồn cung được bổ sung cho thị trường thế giới khi sản lượng dầu mỏ dư thừa và nhu cầu dầu mỏ sụt giảm khiến thị trường "vàng đen" bị "ngập úng". Trong khi đó, theo giới phân tích, nhu cầu hiện được dự báo sẽ giảm từ 15 đến 20 triệu thùng/ngày, giảm 20% so với năm 2019,nên việc các nước cắt giảm lượng lớn sản lượng sẽ là cần thiết, không chỉ riêng OPEC.
Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và A-rập Xê-út tác động nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của Mỹ. Nhờ vào sự bùng nổ của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến, "xứ cờ hoa" đã trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá dầu hiện ở mức thấp đe dọa các nhà sản xuất chi phí cao ở Mỹ, giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp dầu đá phiến. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã gọi đó là cuộc chiến dầu mỏ "điên rồ" bởi Oa-sinh-tơn không muốn ngành công nghiệp dầu đá phiến bị xóa sổ. Với viễn cảnh được dự báo giá dầu thô của Mỹ có thể giảm xuống dưới mức 20 USD/thùng, nếu không hành động, nhiều "ông lớn" dầu mỏ của Mỹ đối mặt nguy cơ phá sản.
Nhằm cứu vãn tình hình, Tổng thống Ð.Trăm và Tổng thống Nga V.Pu-tin đã điện đàm nhất trí để các quan chức năng lượng hàng đầu hai nước thảo luận về thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhất trí với phía Nga về việc phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai nước thông qua Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Thỏa thuận bắt tay nhằm ổn định thị trường năng lượng này đánh dấu bước ngoặt mới trong "ngoại giao dầu mỏ" toàn cầu kể từ khi OPEC+ thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận cắt giảm sản lượng và châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu giữa Nga và A-rập Xê-út.
Trong khi đó, nhằm cân bằng và hướng tới ổn định thị trường, Nga đang muốn kết nạp thêm các nước tham gia OPEC+. Theo người đứng đầu Quỹ Ðầu tư trực tiếp Nga (RDIF) K.Ðmi-tơ-ri-ép, nếu có thêm các nước cùng tham gia, rất có thể họ sẽ đạt một thỏa thuận mới của OPEC+. Ông K.Ðmi-tơ-ri-ép cho rằng, các nước cần cùng hành động để khôi phục nền kinh tế toàn cầu và cũng có thể cùng hành động trong khuôn khổ của thỏa thuận OPEC+. Hiện Nga là nước đứng đầu nhóm các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, trong khi A-rập Xê-út là một nước chính trong OPEC. Tuy nhiên, bất đồng hiện nay giữa hai bên khó hóa giải khi A-rập Xê-út mới đây bác bỏ việc bàn bạc với Nga về một OPEC+ mở rộng. Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Aramco của A-rập Xê-út thậm chí thông báo sẽ tăng sản lượng tối đa lên 13 triệu thùng/ngày.
Cú sốc kép từ dịch Covid-19 cùng với cuộc chạy đua gia tăng nguồn cung từ A-rập Xê-út và Nga đã khiến thị trường dầu thô thế giới chao đảo và sụt giá mạnh. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Ph.Bai-rôn dự báo, nhu cầu dầu mỏ của thế giới có thể giảm 20 triệu thùng/ngày, hay 20% tổng cầu, trong bối cảnh ba tỷ người hiện đang chấp hành các lệnh phải ở trong nhà. Thị trường dầu mỏ được đánh giá đang trải qua giai đoạn "độc nhất vô nhị" trong lịch sử, khi lần đầu chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ, trong khi nguồn cung khổng lồ.
Trách nhiệm giờ thuộc về các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới, trong việc thúc đẩy nỗ lực phối hợp để nhanh chóng ổn định thị trường "vàng đen".
Nguồn tin: nhandan.com.vn