|
Các phân xưởng chính Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Những năm qua tình hình biến động khôn lường của thị trường dầu thô thế giới và các sản phẩm hóa dầu đã tác động trực tiếp nền kinh tế của nhiều quốc gia, vấn đề an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu và đây cũng là cơ sở tạo sự phát triển bền vững.
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô được xếp hạng hàng đầu ở các nước khu vực Ðông Á, chỉ đứng sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a. Năm 2005 sản lượng khai thác dầu khí của nước ta đạt gần 25,7 triệu tấn dầu quy đổi. Là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng hằng năm Việt Nam phải nhập phần lớn sản phẩm xăng, dầu. Dự báo đến năm 2010 nhu cầu sử dụng xăng, dầu trong nước vào khoảng 17 triệu tấn và đến năm 2020 khoảng 34 đến 35 triệu tấn.
Quy hoạch xây dựng các nhà máy lọc dầu
Từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của Tổ quốc và từng bước chủ động ổn định thị trường xăng, dầu trong nước, theo sự chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Petro Vietnam) bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, tìm kiếm gia tăng trữ lượng dầu và khí, tổ chức khai thác có hiệu quả còn hoạch định kế hoạch phát triển hạ nguồn, tập trung đầu tư vào khâu chế biến, trong đó quan trọng nhất là từng bước quy hoạch, thực hiện các dự án xây dựng các nhà máy lọc - hóa dầu ở các khu vực kinh tế trọng điểm trong cả nước. Dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất được xem là dự án khởi đầu của Petro Vietnam trong chiến lược phát triển các nhà máy lọc - hóa dầu, mang ý nghĩa hết sức quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc - hóa dầu của đất nước.
NMLD Dung Quất được xây dựng tại hai xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nằm trong khu kinh tế Dung Quất có hệ thống cảng biển nước sâu, kín gió, là địa bàn chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền trung, giữ vai trò quan trọng trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng như giao lưu và hội nhập quốc tế. Dự án xây dựng NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền trung. Quá trình triển khai dự án, Petro Vietnam đã đàm phán với nhiều đối tác, triển khai nhiều hình thức hợp tác, liên doanh để xây dựng nhà máy nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khi đối tác liên doanh LB Nga rút khỏi dự án. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty Dầu khí đã lập luận chứng theo hình thức Việt Nam tự đầu tư và Petro Vietnam được Chính phủ giao trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy. Ngày 12-2-2003, Petro Vietnam đã thành lập Ban quản lý dự án NMLD Dung Quất, khẩn trương bắt tay đàm phán, triển khai xây dựng nhà máy.
Trong điều kiện xây dựng một nhà máy quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhưng kinh nghiệm quản lý của Petro Vietnam chưa nhiều, Chính phủ cho phép ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát và vận hành thử; lựa chọn nhà thầu thiết kế tổng thể và lập lại dự toán, tổ hợp nhà thầu Technip được lựa chọn làm tổng thầu. Quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy bốn gói thầu EPC quan trọng nhất là các gói 1, 2, 3 và 4 được tập trung vào một hợp đồng để đàm phán với tổ hợp nhà thầu Technip. Toàn bộ công tác thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu đều do tổ hợp Technip triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng... Ðến ngày 28-11-2005, các gói thầu 1+2+3+4 được tổ hợp nhà thầu Technip và Petro Vietnam tổ chức khởi công, đây là một mốc quan trọng trong triển khai toàn bộ việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên.
44 tháng phấn đấu quyết liệt
Quy mô NMLD Dung Quất được xây dựng trên diện tích 338 ha đất liền và khoảng 471 ha mặt biển, trong đó diện tích nhà máy chính là 110 ha, khu bể chứa dầu thô 42 ha, khu bể chứa sản phẩm 43,83 ha, tuyến dẫn dầu thô 17 ha, tuyến ống dẫn sản phẩm 77,46 ha, cảng xuất sản phẩm 135 ha cùng với hệ thống nhập dầu không bến, tuyến ống ngầm dưới biển và khu vực quay tàu 336 ha. Công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, trong đó giai đoạn 1 sử dụng 100% số dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, giai đoạn 2 chế biến dầu thô hỗn hợp (85% số dầu thô Bạch Hổ + 15% số dầu chua Du-bai). Tổng mức đầu tư của toàn dự án được phê duyệt theo Quyết định 546/QÐ-TTg là 2,501 tỷ USD (chưa bao gồm chi phí tài chính). Tổng thời gian thực hiện là 44 tháng, trong đó giai đoạn thiết kế, mua sắm và hoàn thiện xây lắp cơ khí là 36 tháng, giai đoạn chạy thử, nghiệm thu tám tháng.
Toàn bộ NMLD Dung Quất được chia làm bảy gói thầu, trong đó gói EPC 1+2+3+4 là gói thầu chính bao gồm hệ thống tiếp nhận dầu thô ngoài biển, hệ thống ống dẫn dầu thô vào nhà máy, bể chứa dầu thô, các phân xưởng chế biến và phụ trợ, tuyến ống dẫn và xuất sản phẩm. Gói thầu này do tổ hợp nhà thầu Technip thực hiện, trong đó Technip Pháp giữ vai trò chính. Phạm vi công việc của tổ hợp nhà thầu bao gồm thiết kế, mua sắm, lắp đặt và vận hành chạy thử các phân xưởng công nghệ và phụ trợ... Ðồng thời tổ hợp Technip có trách nhiệm thực hiện một phần công tác đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy cho chủ đầu tư, cung cấp vật tư, phụ tùng trong những năm đầu vận hành. Gói thầu EPC 5A xây dựng đê chắn sóng có chiều dài 1.600 m với chiều cao trung bình của đê là 11 m, chiều cao so với mặt nước biển khoảng 10 - 11 m. Gói thầu 5B cảng xuất sản phẩm với hai bến xuất số 1 và 2 cho phép tiếp nhận tàu trọng tải từ 15.000 đến 30.000 tấn, có thể mở rộng để tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất là 50.000 tấn. Bốn bến xuất 3, 4, 5 và 6 cho phép tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 đến 5.000 tấn, có thể mở rộng để tiếp nhận tàu 30.000 tấn. Gói thầu EPC số 7 khu nhà hành chính và điều hành.
Ðây là lần đầu một dự án xây dựng NMLD quy mô lớn, công nghệ phức tạp được xây dựng ở một địa bàn thời tiết khắc nghiệt. Ðể bảo đảm đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, Petro Vietnam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hằng tuần, hằng tháng tổ chức giao ban trực tuyến, cập nhật thông tin về tiến độ xây dựng nhà máy. Thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn tại chỗ. Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thường xuyên thăm hỏi động viên các lực lượng thi công trên công trường và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc kịp thời. Vào giai đoạn thi công cao điểm, các nhà thầu tổ chức thi công liên tục 24/24 giờ, số lượng kỹ sư, chuyên gia và công nhân kỹ thuật tham gia thi công trực tiếp các gói thầu 1+4 và 2+3 lên đến 15.000 người, đến từ 30 quốc gia khác nhau. Lượng vật tư, trang thiết bị đưa về công trường phục vụ xây lắp khoảng 120.000 tấn.
Ðể thực hiện các công việc liên quan thiết kế chi tiết, chế tạo, đặt hàng mua sắm vật tư thiết bị, từ tháng 6-2005 tổ hợp Technip đã tổ chức bốn trung tâm điều hành dự án tại Pa-ri, Yo-ko-ha-ma, Ku-a-la-lăm-pơ và Man-đơ-rít. Số chuyên gia thiết kế làm việc tại các trung tâm này có lúc huy động đến hơn 1.000 người. Sau 44 tháng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Petro Vietnam, đến giữa tháng 2-2009 công việc xây dựng nhà máy và tiến độ thực hiện các gói thầu cũng như công việc thiết kế, mua sắm, xây lắp đã cơ bản bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Mọi công việc chuẩn bị cho ngày vận hành toàn bộ nhà máy cũng đã sẵn sàng. Theo BQL dự án NMLD Dung Quất, đến đầu tháng 2, tổ hợp nhà thầu Technip đã hoàn thành 100% công tác thiết kế và mua sắm, thực hiện hơn 99% khối lượng xây lắp trên công trường, tiến độ tổng thể các gói thầu chính đạt gần 100%.
Trong khó khăn, các nhà thầu đã có nhiều cố gắng tổ chức thi công liên tục, một số gói thầu đã hoàn thành trước thời gian. Tháng 5-2008, nhà thầu Van Oosd (Hà Lan) đã hoàn thành công trình đê chắn sóng, đến tháng 8, Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án NMLD Dung Quất đã tổ chức nghiệm thu, sau đó Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành, đưa công trình đê chắn sóng vào khai thác. Gói thầu cảng xuất sản phẩm do nhà thầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) thi công đã hoàn thành tháng 12-2008, đang tập trung cho công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tính đến tháng 1-2009 nhà thầu COMA đã hoàn thành và bàn giao cơ bản một số hạng mục công trình để Ban quản lý dự án đưa vào sử dụng. Một số công việc còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện, bàn giao cho chủ đầu tư vào cuối tháng 2.
Ðến ngày 1-2-2009, công tác chuẩn bị chạy thử các hạng mục, phân xưởng đạt hơn 60%, các hệ thống công nghệ đã lần lượt được khởi động, đang trong quá trình theo dõi, hiệu chỉnh thông số kỹ thuật. Ðể phục vụ cho vận hành toàn bộ nhà máy, từ cuối tháng 11-2008 đến cuối tháng 1-2009 đã nhập 52.500 tấn dầu đi-ê-den, 160.000 tấn dầu thô và 800 tấn LPG phục vụ chạy thử.
Nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tiếp quản, vận hành thương mại NMLD Dung Quất, Ban quản lý dự án đã tuyển dụng, đào tạo nhân sự vận hành theo sơ đồ tổ chức được phê duyệt. Tổng số kỹ sư, công nhân kỹ thuật vận hành nhà máy tính đến tháng 1-2009 là 1.046 người, trong đó số kỹ sư, công nhân là người Quảng Ngãi chiếm gần 50%. Theo sự chỉ đạo của Tập đoàn dầu khí, Công ty lọc - hóa dầu Bình Sơn đã được thành lập, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, triển khai các công việc chuẩn bị nhận bàn giao, quản lý và vận hành.
Theo kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đến ngày 21-2, toàn bộ NMLD Dung Quất sẽ đi vào vận hành và ngày 25-2 những lô sản phẩm đầu tiên mang dấu ấn ngành công nghiệp lọc - hóa dầu Việt Nam sẽ được xuất xưởng. Sự kiện trọng đại này sẽ được tổ chức hoành tráng tại nhà máy, đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi mà còn là niềm vui lớn của nhân dân cả nước. Theo các kỹ sư vận hành nhà máy, với việc chỉnh sửa thiết kế tổng thể, khi đi vào sản xuất thương mại NMLD Dung Quất sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao, đón đầu và cạnh tranh được với các nhà máy lọc - hóa dầu trong khu vực cũng như thế giới. Mỗi năm Dung Quất sẽ cung cấp cho thị trường 1,9 triệu tấn xăng Mogas 90-92-95; ba triệu tấn đi-ê-den ô-tô, 410 nghìn tấn dầu hỏa/nhiên liệu phản lực J-A1; 330 nghìn tấn dầu FO, 300 nghìn tấn LPG, 480 nghìn tấn dầu nhiên liệu cho nhà máy điện và 110 nghìn tấn Propylene. Dự kiến doanh số hằng năm của NMLD Dung Quất khoảng 55.000 tỷ đồng, tạo ra nguồn thu và đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách của Trung ương và địa phương. Từ thời điểm đưa nhà máy vào vận hành sẽ góp phần tạo ra môi trường thúc đẩy, thu hút đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo và lắp ráp..., góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền trung nói chung.