Tại Myanmar, vùng đất có nhiều dầu mỏ Minhla ở phía tây thủ đô Naypyidaw đang thu hút rất nhiều người đến thăm dò và khai thác với hy vọng làm giàu từ “vàng đen”.
Hiện các đối tượng đã cho lập các giàn khoan và tích cực đào sâu vào lòng đất để tìm mạch dầu. Điều này khiến các ngọn đồi vùng đất Minla bị bao phủ chi chít bởi các cần trục cả bằng tre lẫn bằng sắt, kéo dài hơn một cây số.
Một “giếng khoan” thăm dò dầu khí ở Minhla, Myanmar
Từ miệng các giếng dầu, khói đen bốc lên dày đặc. Đây là kết quả của việc dò tìm theo phương pháp truyền thống, bằng cách tạo ra các vụ nổ để quan sát địa chấn. Do đó, những người khai thác thường xuyên bị bám đầy muội than trong quá trình săn “vàng đen”.
“Những đám cháy như thế không gây nguy hiểm. Ngược lại, ngọn lửa bốc lên chính là dấu hiệu tươi sáng cho thấy nơi đây có rất nhiều dầu”, Khin Maung Htay bày tỏ với phóng viên hãng AFP.
“Ngọn lửa xảy ra mọi lúc mọi nơi”, một công nhân giấu tên cho biết. Anh cũng nói bản thân không sợ nguy hiểm, chỉ sợ lỡ mất thời cơ “làm giàu”.
Với anh Than Moe, người đang chuẩn bị thức ăn cho đội tìm kiếm có bảy người cho biết: “Cuộc phiêu lưu này cũng giống như trò chơi xổ số”. Anh cho biết chi phí để thiết lập một giếng khoan có thể lên đến 50 nghìn euro. “Nhưng nếu chúng tôi tìm thấy mạch dầu, mọi chi phí đầu tư có thể thu hồi chỉ trong một ngày” anh Than Moe khẳng định.
Các nhà thăm dò dựng lều tre hoặc lều bạt gần nơi khai thác để trú ngụ và bảo vệ bản thân trước sức nóng dữ dội toả ra từ khu khai thác. Nhiều quán trà lớn nhỏ bắt đầu mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn con người nơi đây.
Myanmar là quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đặc biệt là khu vực ngoài khơi phía tây bang Rakhine.
Theo chính phủ Myanmar, các hoạt động khai thác dầu ở Minhla đều là bất hợp pháp. Sở dĩ chính phủ Naypyidaw chưa thể kiểm soát được hoạt động này vì đây là vùng đất trú ngụ của nhiều nhóm dân tộc thiểu số chống đối nhà nước.
Nguồn tin: petrotimes.vn