Sự gia tăng căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã đẩy giá dầu tăng cao chủ yếu là do khả năng- tuy là mong manh – rằng Iran có thể quyết định thực hiện lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz và cắt đứt nguồn cung hàng triệu thùng dầu thô hàng ngày đến thị trường toàn cầu. Hai mươi năm trước, đây sẽ là một tin khủng khiếp đối với nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Nhưng bây giờ, thì không quá nhiều.
Nhà phân tích năng lượng David Blackmon đã viết trong một bài báo gần đây cho Forbes rằng Hoa Kỳ không cần phải giữ trật tự cho Eo biển Hormuz nữa vì nước này không còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ khu vực này: nhập khẩu từ Vịnh Ba Tư tới Mỹ đã giảm từ khoảng một phần sáu lượng tiêu thụ vào năm 2012 xuống còn chưa tới 10 phần trăm vào năm ngoái: mức tiêu thụ trung bình năm 2018 là hơn 20 triệu thùng/ngày; nhập khẩu từ Vịnh Ba Tư dao động khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm.
Không ai sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng lý do cho điều này là sản xuất dầu đá phiến đang tăng trưởng. Đá phiến đã giúp Hoa Kỳ không chỉ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới năm ngoái mà quan trọng hơn là giúp nước này tự chủ hơn rất nhiều trong lĩnh vực dầu mỏ. Sự độc lập này dường như đã gây ảnh hưởng đến việc nhập khẩu từ Vịnh Ba Tư.
Dữ liệu mới nhất hàng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy rằng nhập khẩu dầu từ Vịnh Ba Tư đạt khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, trong tổng số 8,84 triệu thùng/ngày. Hoa Kỳ đã nhập khẩu dầu nhiều gấp bốn lần từ Canada so với Vịnh Ba Tư trong tháng đó và điều này có thể sẽ tiếp tục: các nhà máy lọc dầu ở Gulf Coast cần dầu thô nặng và họ có thể dễ dàng mua được từ Canada thay vì vận chuyển từ Trung Đông. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ khá bình thản trước sự gián đoạn nguồn cung của Eo biển Hormuz.
Tổng thống Trump đã nói nhiều lần như vậy khi ông đề nghị các quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ từ Trung Đông nên bảo vệ tàu chở dầu của chính họ thay vì dựa vào quân đội Hoa Kỳ để giữ trật tự cho Eo biển này. Ông đã làm như vậy theo cách thẳng thừng điển hình của mình, nhưng gạt thái độ này sang một bên, sự thật khó có thể tranh cãi. Cuộc cách mạng đá phiến đã làm cho Mỹ ít bị tổn hại hơn trước những gián đoạn cung tại các điểm nóng địa chính trị.
Tất nhiên, cuộc cách mạng này không phải là không có vấn đề của nó. Việc sản xuất tăng nhanh đã dẫn đến dư thừa dầu thô nhẹ, gây áp lực lên giá và biên lợi nhuận của các nhà sản xuất và nhà máy lọc dầu. Vấn đề lớn hơn là thực tế hầu hết các nhà sản xuất đá phiến đang nợ nần chồng chất. Chỉ 10 phần trăm trong số các công ty này là có dòng tiền dương, theo hãng tư vấn Rystad Energy. Số còn lại đang tiêu tốn tiền ngay cả với giá cao hơn.
Tuy nhiên, mặc dù vậy nhưng sản xuất tiếp tục phát triển. EIA cho biết trong Báo cáo năng suất khoan mới nhất của mình rằng sản lượng dầu đá phiến sẽ đạt 8,52 triệu thùng/ngày vào tháng tới, một mức kỷ lục mới và tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng Sáu.
Hoa Kỳ sẽ khó có thể hoàn toàn tự chủ với dầu trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nhập khẩu đang giảm và luôn có nhiều hơn một nguồn dầu nếu bất cứ điều gì xảy ra với nguồn dầu ưu tiên. Vì vậy, theo nghĩa này thì ít nhất, Hoa Kỳ không cần sự hiện diện ở Eo biển Hormuz. Trung Quốc làm như vậy vì họ nhập rất nhiều dầu từ Trung Đông, nhưng Hoa Kỳ sẽ không để Trung Quốc thay thế họ ở đó vì những lý do không liên quan đến năng lượng mà liên quan đến tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Nguồn tin: xangdau.net