Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela đã làm thắt chặt thị trường dầu thô nặng đến trung bình của toàn cầu, khiến những người mua dầu tranh giành các lựa chọn thay thế cho dầu nặng của Venezuela.
Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ và Châu Âu đã bắt đầu thay thế dầu của Venezuela bằng một số loại dầu được sản xuất gần hơn với nơi của họ, trong khi nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là động lực tăng trưởng nhu cầu chính, Trung Quốc, cũng đang tìm đến các nước láng giềng ở Mỹ Latinh của Venezuela để lấp khoảng trống nguồn cung.
Brazil đang nổi lên như một người thắng lớn từ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela- nó đã thúc đẩy xuất khẩu dầu của nước này sang Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2019 và dự kiến sẽ tăng thêm doanh số và thị phần của mình tại nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, bởi vì Brazil, cùng với Mỹ, là một trong số ít các thành viên không thuộc OPEC có khả năng tăng sản lượng đáng kể trong thời gian ngắn, IHS Markit nói.
Tuy nhiên, con sâu làm rầu nồi canh, đó là Brazil đã cho thấy sự biến động trong sản xuất và xuất khẩu dầu của họ trong những tháng gần đây, với số liệu cho một vài tháng tới dưới mức ước tính của các nhà phân tích.
Nếu Brazil đưa ra mức tăng trưởng sản xuất mà các tổ chức lớn tiếp tục dự đoán, thì nước này có thể có chỗ đứng trên thị trường được đánh giá cao nhất đối với mọi quốc gia sản xuất dầu mỏ -Trung Quốc.
Với dầu Venezuela bị cấm vận, sự thay thế đầu tiên cho người mua đương nhiên sẽ là dầu thô vừa và nặng hơn đến từ OPEC, chủ yếu là từ các nhà sản xuất Trung Đông của nhóm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở Trung Đông đang cắt giảm phần lớn các loại dầu này theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC +, trong khi dầu nặng Iran vẫn bị cản trở theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Canada có vấn đề sản xuất riêng của mình, với những hạn chế về công suất đường ống và không thể tận dụng triệt để sự thiếu hụt các loại dầu nặng hơn trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.
Vì vậy, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu từ Brazil.
Petrobras- công ty dầu mỏ do nhà nước nắm giữ của Brazil, cho biết Trung Quốc đã tiêu thụ 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu của nước này vào năm ngoái, IHS Markit nhắc lại.
Theo dữ liệu từ IHS Markit, Brazil đã xuất khẩu hơn 500.000 thùng/ngày trực tiếp sang Trung Quốc trong quý 1 năm 2019, Fotios Katsoulas, Chuyên viên phân tích tại IHS Markit, viết.
Tính luôn cả các chuyến hàng đến các khu vực khác của châu Á sau đó tái xuất sang Trung Quốc, tổng xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đạt khoảng 660.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên. Xuất khẩu dầu của Brazil sang Trung Quốc ước tính đã tăng gần 50% so với năm trước trong Q1, theo IHS Markit.
Xét đến tăng trưởng sản xuất dự kiến của Brazil, xuất khẩu dầu của Brazil sang Trung Quốc “có thể nhiều hơn nữa trong nửa cuối năm 2019”, theo Katsoulas.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu khác để mua loại dầu Lula của Brazil, vốn phổ biến đối với người mua, trong đó có cả Mỹ sau lệnh trừng phạt đối với Venezuela, nhà phân tích của IHS Markit nhận định.
Loại dầu Lula gần đây đang có nhu cầu cao, và các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, mặc dù thích Lula hơn trong số những loại dầu của Brazil, nhưng đang ngày càng mua nhiều loại dầu nặng vừa mới Buzios.
Sắp tới, đây chính là cuộc đua của Brazil để thúc đẩy thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Brazil đã không đưa ra tăng trưởng sản lượng cao dự kiến trong những năm gần đây do sự chậm trễ của nhiều dự án, nhưng năm nay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC đều dự báo nhà sản xuất Mỹ Latinh này tăng cường cung cấp dầu.
Các ước tính gần đây của IEA và OPEC cho thấy sản lượng của Brazil sẽ tăng thêm hơn 300.000 thùng/ngày trong năm nay và Brazil sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nguồn cung cao thứ hai từ các nước ngoài OPEC, chỉ đứng sau Mỹ.
Tuy nhiên, sản xuất của Brazil trong tháng 1 và tháng 2 năm nay trượt dốc, do bảo trì và sụt giảm từ các mỏ dầu già nhiều hơn so với các giếng mới bắt đầu sản xuất.
“Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia thị trường bày tỏ sự hoài nghi của họ về khả năng duy trì tăng trưởng của Brazil, vì vận chuyển dầu của nước này đã giảm trong tháng 1 trước khi hồi phục vào tháng 2 và giảm nhẹ vào tháng 3 một lần nữa. Hiệu suất trong năm vừa qua cung cấp cho chúng tôi một sự hiểu biết về nguồn cung Brazil có thể biến động như thế nào”, Katsoulas của IHS Markit lưu ý.
Nguồn tin: xangdau.net