Nếu nền kinh tế Đức sụp đổ, toàn bộ nền kinh tế EU sẽ sụp đổ theo, vì vậy gói viện trợ 200 tỷ euro mà Chính phủ Đức phê duyệt gần đây thực chất là viện trợ cho toàn bộ Liên minh châu Âu.
Đây là những gì Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn, đáp lại những cáo buộc từ một số thành viên EU rằng Berlin đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nước nghèo hơn bằng cách tung ra gói viện trợ hào phóng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình của mình.
“Nếu Đức phải trải qua một cuộc suy thoái thực sự nghiêm trọng, nó sẽ kéo toàn bộ châu Âu xuống theo”, Habeck tuyên bố. "Chúng tôi không ích kỷ - chúng tôi đang cố gắng ổn định một nền kinh tế ở trung tâm châu Âu."
Kế hoạch viện trợ tập trung vào mức trần giá tạm thời đối với khí đốt, chia thành nhiều giai đoạn nhằm giảm bớt gánh nặng của giá năng lượng cao kỷ lục.
Khoản tiền này sẽ đến từ các khoản vay mới. Tuy nhiên, động thái này đã thu hút sự phản đối từ chính phủ các nước và một số Ủy viên.
“Kế hoạch viện trợ khổng lồ trị giá 200 tỷ euro do Đức quyết định (trị giá 5% GDP của nước này) đáp ứng sự cần thiết mà chúng tôi nhận ra và đã nhấn mạnh – sẽ hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi. Làm thế nào các nước EU không có cùng không gian tài chính cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình?” Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên Thị trường Nội bộ Thierry Breton đã viết trong một bài báo cho Thời báo Ireland.
Về điều này, Habeck trả lời rằng Đức không phải là quốc gia EU duy nhất thực hiện các biện pháp bảo vệ người dân và doanh nghiệp của mình khỏi tình huống tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng thông qua việc giới hạn giá, lấy ví dụ như Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Đồng thời, Berlin vẫn phản đối ý tưởng giới hạn giá khí đốt nhập khẩu vào EU. Tuần trước, Đức và Hà Lan đã gửi một tài liệu trước đợt thảo luận tiếp theo đề xuất một số biện pháp để giải quyết tình trạng khủng hoảng nhưng việc giới hạn giá khí đốt không nằm trong số đó, Euronews đưa tin.
Nguồn tin: xangdau.net