Đại diện Bộ Tài chính vừa chính thức lên tiếng lý giải về việc đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung khiến dư luận xôn xao trong thời gian vừa qua.
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 01/07/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.
Cụ thể, đối với mặt hàng xăng (trừ etanol) thì khung mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít.
Đối với mặt hàng dầu diesel, khung mức thuế từ 500 - 2.000 đồng/lít, mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít. Như vậy, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Đối với nhóm mặt hàng dầu mazut, dầu nhờn, khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít, mức thuế hiện hành là 900 đồng/lít. Như vậy, Bộ Tài chính đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Đề xuất này của Bộ Tài chính ngay lập tức nhận được phản ánh trái chiều của dư luận, lên tiếng về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đề xuất này xuất phát từ thực tế.
Theo ông Thi, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là xăng, mức thuế cam kết trong WTO là NK 40% tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì chúng ta còn phải giảm dần mức thuế NK đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì dầu đã về 0%.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).
Về ý kiến cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường nhằm bù đắp các khoản thu ngân sách do thiếu hụt từ thuế nhập khẩu và thiếu hụt ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với xăng dầu, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, phải xét trên giác độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường.
'Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nói đến xăng, từ 01/01/2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5. Đó là một cách bảo vệ môi trường", ông Thi cho biết.
Mặt khác, theo ông Phạm Đình Thi giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước.
Ông Thi cũng cho biết, nếu toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế (8 mặt hàng) sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách Nhà nước, trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Nói về thời điểm tăng thuế, ông Thi cho biết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sau khi đề án được nghiên cứu xây dựng thì trong thời gian xin ý kiến bộ ngành địa phương, thẩm định, báo cáo Chính phủ...thời gian cần tới hơn 6 tháng mới hoàn thành.
"Hiện Bộ Tài chính đang đề nghị Nghị quyết này trình Ủy ban thường vụ quốc hội và nếu được thông qua Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/72018. Chính vì vậy, để đảm bảo thời gian thì phải đưa ra dự thảo từ bây giờ", ông Thi cho biết.
Tại Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu).
Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu theo tính toán như sau: Đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế BVMT trong giá bán khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Tuy nhiên, do xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng ngay cả khi không sử dụng nên việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; chuyển dần sang sản xuất, sử dụng sản phẩm, nhiên liệu thân thiện với môi trường, qua đó giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường (Theo tính toán, với mức thuế BVMT hiện hành đối với xăng gốc hóa thạch là 3.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch là 150 đồng/lít.
Với mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch dự kiến là 4.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch là 200 đồng/lít, (giảm 50 đồng/lít so với hiện hành). Từ đó, giá xăng E5 sẽ thấp hơn giá xăng gốc hóa thạch.
Theo đó, cùng với quy định mức thuế TTĐB đối với xăng E5 thấp hơn xăng gốc hóa thạch thì việc tăng mức thuế BVMT đối với xăng gốc hóa thạch như trên sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng gốc hóa thạch, từ đó góp phần khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường).
Đánh giá về đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng thuế lúc này là chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm khi người dân còn đang còn e ngại về việc sử dụng các loại xăng mới nên sẽ khiến người dân khó đồng tình.
Bên cạnh đó, theo ông Phúc, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà trong đó lại có Việt Nam.
Cũng theo ông Phúc, theo các thống kê thì hiện mỗi lít xăng đã phải gánh rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ thì mức thuế phí hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.
Vị này cũng cho rằng, như nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đã chỉ ra là vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.
Việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi khi thuế tăng thì các loại phí sẽ tăng mà phí tăng sẽ kéo giá đẩy lên cao, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt thì khả năng cạnh trạnh đã rất yếu.
Về việc Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế nhằm để ổn định nguồn thu ngân sách, ông Phúc không đồng tình và cho rằng thuế một công cụ rất quan trọng, nó kích thích hoặc hạn chế sản xuất, trong khi đó, nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.
Trong năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến dự luật thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đề xuất này của Bộ Tài chính cũng vấp phải sự phản đối từ phía dư luận và các chuyên gia kinh tế.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn