Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu nhiều nước lên tới 45-60%, trong khi ở Việt Nam là 10-21%. Giá bán xăng dầu tại Việt Nam cũng đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới.
Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Đồng Nai gửi đến Bộ Tài chính kiến nghị bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu, để giá xăng, dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân. Theo cử tri, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu, mức giá như hiện tại còn cao, một phần do còn nhiều loại thuế phí chiếm tỷ lệ cao trong giá xăng, dầu.
Trước kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hiện nay được thực hiện theo Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 với nguyên tắc cơ bản là "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Bộ Công Thương được giao chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp.
Tỷ trọng thuế thấp hơn mức bình quân chung
Theo Bộ Tài chính, tại nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng, dầu khoảng 45-60%; còn tại Việt Nam là 20-21% với xăng; 10-11% với dầu. Bộ này cho rằng tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung.
Hiện đang có 4 sắc thuế áp dụng lên giá xăng dầu, gồm: Thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu); thuế giá trị gia tăng (VAT); thuế tiêu thụ đặc biệt (với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.
Về thuế nhập khẩu, với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA), mặt hàng này được thực hiện theo cam kết khung FTA mà Việt Nam ký với các nước. Trong đó, mức thuế FTA trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu nhiều nước lên tới 45-60%, trong khi ở Việt Nam là 10-21%.
Về thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN), để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu nhập khẩu cho thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về giảm thuế suất với một số nhóm xăng từ 20% xuống 10%. Bộ cũng đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN với mặt hàng etanol để phối trộn xăng sinh học và một số nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng, dầu và các chế phẩm thay thế cho xăng.
Việc điều chỉnh này kỳ vọng giúp hạ giá thành xăng sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp hơn.
Về VAT, pháp luật không quy định giảm, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế suất này; đồng thời quy định ba mức thuế 0%, 5%, 10% áp dụng cho các đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT.
Hiện nay, xăng dầu chịu VAT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, hiện mức thu là 10% với xăng; xăng sinh học E5 là 8%; E10 là 7% - nằm ở nhóm trung bình thấp so với các nước. Việt Nam không quy định thu thuế này với dầu.
Về thuế bảo vệ môi trường, từ cuối 2022, trước bối cảnh giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục biến đổi khó lường, để ổn định giá, kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đã nghiên cứu để tiếp tục giảm thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn trong 2023.
Bộ Tài chính cho rằng, hiện hành, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta thấp hơn mức bình quân chung. Đối với nhiều quốc gia, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng, dầu chủ yếu trong khoảng 45-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn), trong khi tại nước ta, tỷ trọng này là 20 – 21% đối với xăng; 10-11% đối với dầu.
Câu chuyện bán lẻ xăng dầu vẫn gây tranh cãi
Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm VESS, mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia...
Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất. Trước thực tế trên, VESS đề xuất chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động bất thường như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, rất khó so sánh giá xăng dầu Việt Nam cao hay thấp so với các nước trên thế giới, bởi mỗi một quốc gia có mô hình, cấu trúc kinh tế, thể chế chính trị, mức độ tiêu dùng của người dân hay thu nhập bình quân đầu người khác nhau. Do vậy, việc điều hành thị trường xăng dầu trong nước cũng cần linh hoạt.
Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ với VnBusiness, giá xăng dầu Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới, nhập vào theo giá thế giới. Vấn đề còn lại vấn đề thuế, phí bao nhiêu, mà bao nhiêu còn phụ thuộc vào kế hoạch thu ngân sách của Nhà nước.
Ông Bảo nêu quan điểm, không nên so sánh giá một mặt hàng với mức thu nhập bình quân của người dân, bởi như câu chuyện Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng giá ô tô rất cao, một phần do bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, với mặt hàng xăng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là bình thường, bởi Nhà nước định vị mặt hàng này không khuyến khích sử dụng nhiều, giúp người dân chuyển sang dùng phương tiện công cộng.
“Chúng ta luôn nhìn nhận xăng là phục vụ nhu cầu thiết yếu, phải rẻ vì lương người lao động còn thấp nhưng nếu đứng về góc độ giao thông vận tải, an toàn đô thị thì Nhà nước không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân”, ông Bảo nói.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, mức thuế, phí khoảng 30% với mặt hàng xăng như vậy là hợp lý: “Tôi ủng hộ với mặt hàng xăng là phải có thuế tiêu thụ đặc biệt, tất nhiên ở mức độ nào phù hợp để người dân thấy rằng không phải trả quá nhiều tiền cho loại thuế này”.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường