Bộ Tài chính cho biết trong giai đoạn 2012-2016, chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cao hơn tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường.
Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu khiến dư luận lo ngại sẽ ảnh hưởng làm tăng giá bán lẻ xăng dầu - Ảnh minh hoạ: TẤN THẠNH
Những ngày qua dự luận xôn xao quanh thông tin thuế bảo vệ môi trường xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít, ngân sách có thêm khoảng 15.000 tỉ đồng.
Cùng với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu như tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính cho biết tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2017 đạt khoảng 150.810 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỉ đồng/năm, chiếm tỉ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm. Trong đó, năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng; năm 2016 là 44.323 tỉ đồng và năm 2017 khoảng 44.825 tỉ đồng.
Trước đó tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT, Bộ Tài chính cũng giải thích rõ hơn về cơ chế thu - chi ngân sách liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết Luật NSNN 2015 quy định các khoản thu ngân sách theo quy định được tổng hợp vào ngân sách chung mà không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Hàng năm, kinh phí NSNN bố trí cho các nhiệm vụ BVMT căn cứ vào yêu cầu BVMT cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường trong ngắn hạn và dài hạn. Thực tế, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi NSNN cho BVMT cao hơn tổng số thu từ thuế BVMT.
Cụ thể, số thu từ thuế BVMT trong giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỉ đồng. Trong đó, năm 2012 thu 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng và năm 2016 khoảng 44.323 tỉ đồng).
Trong khi đó, tổng số chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 là khoảng 131.857 tỉ đồng, trung bình khoảng 26.371 tỉ đồng/năm. Như vậy, mức chi NSNN cho BVMT cao hơn số thu thuế cho nhiệm vụ này bình quân khoảng 21.197 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, bên cạnh các nguồn chi NSNN trực tiếp cho môi trường, còn có nguồn chi từ các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi từ dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN. Một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả cũng góp phần quan trọng cho BMVT như dự án Xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…
Đáng lưu ý, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biểu thuế BVMT được đề xuất thời gian áp dụng là ngày 1-7-2018. Trong khi đó, chương trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT đã lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2019 thay vì trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2017 (kỳ họp thứ 4) như dự kiến ban đầu. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh biểu thuế BVMT xăng dầu lên mức 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít, tăng khá cao so với khung thuế hiện hành là từ 1.000 đồng - 4.000 đồng/lít.
Nguồn tin: nld.com.vn