Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa diễn ra, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, cách đây 3 tuần, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số.
Bộ Công Thương tính nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên gấp 4 lần |
Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường nội địa để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng.
Đối với nguồn cung xăng dầu trong nước, bà Lê Việt Nga khẳng định, để chủ động trong đảm bảo nguồn cung, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu từ Nghi Sơn chưa chốt được con số rõ ràng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Thuý Hiền cho hay để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.
"Nguồn lực Nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước", bà Hiền thông tin.
Được biết tại Việt Nam, cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề nhập khẩu xăng từ Malaysia, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn Singapore Platts – cơ quan thông tin đưa ra thông tin chính thống về giá cả xăng dầu hằng ngày. Đây cũng là cơ sở để tính giá xăng dầu trong nước.
“Đối với thị trường Malaysia cũng không có gì khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Riêng về nguồn cung, 6 tháng đầu năm 2022, xăng dầu đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù sản xuất trong nước, đặc biệt là ở Nghi Sơn đang gặp khó khăn và việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ.
“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng Nghi Sơn phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.
Không chỉ giảm thuế môi trường mà cần giảm các loại thuế khác để 'hạ nhiệt' giá xăng dầu
Về chủ trương rà soát bỏ các sắc thuế để giảm giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu chủ trương của Bộ với Bộ Tài chính là giảm các thuế phí để giảm giá xăng, trong đó chúng ta thực hiện được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, có hiệu lực từ 1/4 có hiệu lực hết 31/12/2022). Ông Hải cho biết: Sắp tới cũng tiếp tục họp, đề xuất, cân nhắc giảm thêm.
Ông Hải cũng cho biết không hẳn là giảm thuế môi trường, còn có thể là thuế nhập khẩu, cái gì giảm được thì nên giảm. Tuy nhiên khi giảm cũng phải tính, bởi nếu chúng ta giảm thuế nhập nhiều cũng không hẳn tốt.
“Khi cho hàng hoá nước ngoài vào chúng ta cũng đánh đổi với hàng hoá trong nước, khi cần chúng ta cũng không nâng thuế lên được”, ông Hải cho hay.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, biện pháp đảm bảo cung ứng và giảm thuế đang được cơ quan quản lý cố gắng và thực hiện quyết liệt. Lãnh đạo Bộ Công Thương còn cho biết, ngoài biện pháp về nguồn cung, thuế phí, để giảm tác động giá của xăng dầu đối với đời sống người dân và nền kinh tế, chính sách an sinh, hỗ trợ đối tượng tác động mạnh khi giá xăng dầu tăng là cần thiết.
Nguồn tin: VNBUSINES