Câu chuyện quản lý xăng dầu tiếp tục là tâm điểm tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh giá xăng đang neo ở mức cao và vẫn trong xu hướng tăng cùng tình trạng nguồn cung khan hiếm diễn ra ở nhiều địa phương.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã phát huy tác dụng trong việc tạo "bước đệm" nhằm bình ổn giá các mặt hàng nhiên liệu, góp phần kiềm chế lạm phát. Từ đó, Chính phủ đề nghị duy trì quỹ này.
Không phải không có lý do khi đề xuất trên nhận được phần lớn ý kiến đồng tình từ cơ quan thẩm tra. Trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động thất thường, cần có nguồn tài chính dự phòng để hãm giá xăng tăng sốc, Quỹ BOG vẫn là một trong những công cụ điều tiết quan trọng. Tuy nhiên, cần từng bước giảm sử dụng, tiến tới bỏ hẳn cơ chế hình thành và trích lập Quỹ BOG trong cơ cấu giá để từng bước đưa giá xăng dầu về gần với thị trường. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn xóa bỏ quỹ này để tránh phiền hà và không bị "mang tiếng" hưởng lợi từ quỹ trong những thời điểm số dư nhiều.
Tất nhiên, không nên xóa bỏ Quỹ BOG đột ngột bởi có thể gây sốc cho người dân trong tình huống giá xăng tăng cao, đồng thời khiến cơ quan điều hành gặp lúng túng. Chính phủ cần xây dựng cụ thể lộ trình giảm sử dụng quỹ này, có thể giảm thu về mức thấp nhất song song với giảm chi sử dụng quỹ để người dân quen với tín hiệu thị trường và dần chấp nhận "thoát ly" quỹ.
Giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới nên việc duy trì Quỹ BOG về bản chất là duy trì sự can thiệp của nhà nước đối với loại hàng hóa rất nhạy cảm với biến động thị trường. Điều này khiến giá trong nước lệch pha với thế giới và xa rời tính chất thị trường của hàng hóa. Trong dài hạn, cần cân nhắc thay thế Quỹ BOG bằng công cụ khác hữu dụng hơn để vừa phát huy vai trò bình ổn giá trong nước vừa góp phần kiểm soát lạm phát.
Trước đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương, bao gồm quyết định giá và chi phí định mức, nhằm tạo thuận lợi cho Bộ Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung. Tôi cho rằng đây là đề xuất hợp lý, giúp các quyết định điều hành được đưa ra nhanh hơn, cũng tạo điều kiện cho bộ chủ quản quyết liệt hơn trong triển khai chính sách. Để tránh lạm quyền, cần có quy định rõ ràng về cơ chế điều hành, trách nhiệm của cơ quan quản lý, trong đó có yêu cầu xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp cần thiết.
Ở bề nổi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường là bởi tỉ lệ chiết khấu chưa bảo đảm cho doanh nghiệp phân phối có lãi, khiến họ nhập hàng cầm chừng. Nhưng về căn cơ, đó là việc kinh doanh xăng dầu chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, dẫn đến những điểm nghẽn. Cần từng bước trả xăng dầu về với thị trường, mọi chi phí được quyết định trên cơ sở thỏa thuận giữa các đơn vị trên nguyên tắc tôn trọng quan hệ thị trường và Bộ Công Thương chỉ đứng ra giám sát, chấn chỉnh nếu cần thiết.
Nguồn tin: Người lao động