Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 28 khu công nghiệp, 24.600 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi, kết nối trên nhiều tỉnh, thành phố nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Bình Dương rất lớn. Đây cũng chính là "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu..
Lực lượng chức năng kiểm tra cây xăng trên địa bàn
Gian lận chất lượng gia tăng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 1 DN đầu mối trực tiếp nhập khẩu xăng dầu, 1 công ty trực thuộc DN đầu mối, 4 tổng đại lý với trên 415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu có mặt trên khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Ông Trần Văn Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương - cho biết, hiện đa số các DN kinh doanh xăng dầu đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tình hình gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu có giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng tình trạng gian lận về chất lượng lại có chiều hướng tăng.
"Tất cả các trường hợp xăng không đạt chất lượng là do DN mua xăng dầu trôi nổi để trộn lẫn, "phù phép" sổ sách để cơ quan chức năng khó phát hiện. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây ảnh hưởng đến phương tiện và sức khỏe con người trong thời gian sử dụng" - ông Tùng cho biết.
Năm 2017, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và xử lý 9 vụ việc vi phạm kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, trong đó có 6 vụ vi phạm về chất lượng, 3 vụ vi phạm về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tổng số tiền phạt trên 2,6 tỷ đồng, đình chỉ 2 DN, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu 1 tháng đối với 6 DN.
Quy định pháp lý chưa thống nhất
Tuy nhiên, qua thực tiễn, mặc dù kiểm tra, phát hiện nhưng để xử lý đúng quy định văn bản pháp lý lại là một vấn đề khó. Cụ thể, ông Tùng chia sẻ, hiện nay theo Nghị định số 119/2017/NĐ- CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, việc xử phạt về quy chuẩn kỹ thuật, có sự trùng lặp về khung hình phạt. Một hành vi "Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng" được quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 20 và điểm a, Khoản 7, Điều 20.
Ngoài ra, tại Khoản 9, Điều 20 không đưa vào biện pháp khắc phục hậu quả, nếu lấy mẫu thử nghiệm trường hợp mẫu không đạt lô hàng vẫn cứ được phép tiêu thụ. Như vậy, việc xử lý vẫn chưa triệt để, hàng hóa vi phạm vẫn có thể gây hại cho người sử dụng.
Chính vì thế, Chi cục QLTT Bình Dương mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để các cơ quan chức năng áp dụng đúng quy định từng trường hợp, nhất là trong hoạt động kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu. Đồng thời, xem xét đề nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi những vấn đề còn bất hợp lý. "Quy trình pháp lý chặt chẽ mới có thể áp dụng đúng, không gây ra những vấn đề tranh cãi, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo dựng niềm tin của người dân" - ông Tùng nhấn mạnh.
Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương vẫn đang tích cực triển khai, phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh… để phát hiện các hành vi vi phạm khác trên địa bàn.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn