Tờ Economic Times đưa tin, dẫn lời các Giám đốc điều hành ngành dầu mỏ Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đối với các quốc gia thực hiện trần giá của G7 mà Nga công bố trong tuần trước có thể thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn sang Ấn Độ.
Đầu tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ ngừng bán dầu thô cho bất kỳ người mua nào có điều khoản giới hạn giá trong hợp đồng. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 và cũng sẽ bao gồm các sản phẩm dầu. Tuy nhiên, Putin cũng bổ sung các ngoại lệ có thể được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.
Sự đáp trả của Nga đối với mức trần giá được mô tả là phản ứng đối với "các hành động không thân thiện và trái với luật pháp quốc tế mà Mỹ và các quốc gia nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế tham gia cùng họ".
G7 đầu năm nay đã đồng ý áp đặt trần giá đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga nhằm nỗ lực bóp nghẹt doanh thu từ dầu mỏ của Moscow mà không làm tổn hại đến nguồn cung dầu trên toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong thành công của giới hạn giá bởi vì Mỹ và Anh đều đã cấm nhập khẩu dầu và nhiên liệu của Nga.
EU đã tham gia vào đầu tháng này khi áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô nhập khẩu của Nga bằng đường biển. Nhật Bản được miễn trừ khỏi giới hạn giá vì nguồn cung dầu của Nga rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này và khó có thể thay thế.
Tuy nhiên, thay vì tham gia giới hạn giá, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thể hiện họ muốn tiếp tục làm ăn với Nga, đặc biệt là khi hai nước hiện đang tận dụng mức chiết khấu đáng kể mà dầu thô của Nga mang lại, sau khi thị trường châu Âu về cơ bản biến mất khỏi danh sách khách hàng của Nga.
Theo Economic Times, với giới hạn giá này, Nga có thể tự nhận thấy mình có một số lượng dầu dư thừa và lựa chọn hợp lý nhất sẽ là cung cấp chúng cho Ấn Độ và Trung Quốc. Nga đã trở thành một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ vào năm ngoái.
Nguồn tin: xangdau.net