Biên phòng TP.HCM bắt 1 triệu lít dung môi nhưng khi giám định thì đã biến thành xăng thành phẩm.
Ngày 26-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại (BCĐ 389 Quốc gia) đã làm việc với BCĐ 389 TP.HCM về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.
Nghi ngờ dung môi nhập về quá lớn
Thượng tá Nguyễn Thế Anh, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Quốc phòng, cho biết từ đầu năm đến nay lực lượng biên phòng bắt giữ, giao các địa phương xử lý hàng chục vụ buôn lậu xăng dầu cũng như dung môi với số lượng lớn, lên đến hàng triệu lít.
Thực tế cho thấy các tỉnh miền Nam chỉ có vài doanh nghiệp (DN) được nhập dung môi về pha chế các sản phẩm sơn công nghiệp. Cụ thể, ở TP.HCM có một DN, Cần Thơ có hai DN... Nhưng qua theo dõi, đoàn đặc nhiệm phát hiện lượng dung môi nhập về lớn, từ đầu năm đến nay nhập cả mấy chục triệu lít. “Thế nhưng mục đích nhập về để làm gì, quản lý đầu ra như thế nào còn rất khó khăn” - ông Anh nói.
Theo ông Anh, nếu để các đối tượng mua dung môi về tự pha chế thành xăng bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng vì chất lượng không bảo đảm và gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Ông Anh dẫn chứng giá nhập dung môi 9.000 đồng/ lít, sau khi nộp thuế phí tương đương 10.000 đồng/lít. Nhưng khi pha chế thành xăng (việc pha thành xăng rất đơn giản), bán ra thị trường 18.000 đồng/lít. “Như vậy những đối tượng này trốn thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường…, gây thiệt hại cho ngân sách nhànước rất lớn” - ông Anh khẳng định.
Chống buôn lậu dung môi, xăng dầu trên biển là công việc gian nan của lực lượng cảnh sát biển. Ảnh: T.HẰNG
Nhộn nhịp mua bán
Theo ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia, TP.HCM là nơi đầu tiên phát hiện mặt hàng dung môi được mua bán không có chứng từ. Cụ thể, ngày 28-5, Biên phòng TP.HCM bắt một tàu vận chuyển 1 triệu lít dung môi không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng tịch thu và xử phạt hành chính hơn 1 tỉ đồng.
Hiện nay số lượng dung môi từ các địa phương đưa về TP.HCM, sau đó đưa đi các tỉnh khác pha thành xăng là có nhiều. Vừa rồi Biên phòng TP.HCM bắt 1 triệu lít dung môi nhưng khi giám định là xăng thành phẩm. DN khai mua về pha chế sơn để bán cho các công trình xây dựng…
Thượng tá NGUYỄN THẾ ANH, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Quốc phòng
Tiếp đến là Nghệ An, đầu tháng 10 lực lượng chức năng đã bắt quả tang việc một công ty đang đổ dung môi từ xe bồn vào bồn chứa tại một điểm kinh doanh bán xăng dầu. Số dung môi là 40.000 lít, được chở từ Cần Thơ ra.
Theo ông Cảnh, qua quá trình điều tra từ vụ việc ở Nghệ An, lực lượng chức năng phát hiện một công ty ở Cần Thơ bán cho ba đơn vị ở TP.HCM 100.000 tấn dung môi. Từ đó số dung môi này đi các tỉnh. “Chúng tôi đề nghị Tổng cục Môi trường tìm hiểu 100.000 tấn dung môi được ba công ty này nhập về dùng vào mục đích gì vì trong ba công ty có hai là kinh doanh xăng dầu” - ông Cảnh đề nghị.
Đại diện Công an TP.HCM cũng đặt vấn đề có dấu hiệu bất thường vì DN đi mua dung môi không có chức năng chế sơn công nghiệp… “Cần đánh giá đầu vào, đầu ra của dung môi như thế nào, xem thực chất việc sử dụng là gì” – vị này đề nghị.
Theo ông Anh, hiện nay dung môi không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc mua bán diễn ra bình thường. Bởi vậy cần kiến nghị các bộ, ngành liên quan đưa dung môi vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
320.000 lít dung môi pha ra 2 triệu lít xăng!
Ngày 10-10, PC46 Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang ô tô đang đổ chất dung môi vào bồn chứa tại điểm kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Thanh Ngũ. Số dung môi là40.000 lít, do ông Ngô Quang Thúc (tài xế DN Kiên Lục, Nghệ An) chở từ Cần Thơ về bán cho Công ty TNHH Thanh Ngũ. Kiểm tra công ty này, phát hiện hai bể chứa xăng. Chủ DN thừa nhận xăng này có pha trộn theo tỉ lệ 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu.
Kiểm tra DN Kiên Lục, phát hiện hai bể chứa trên 10.000 lít xăng. Người của DN cho biết từ tháng 8 đến nay đã mua 320.000 lít dung môi với giá 10.600 đồng/lít. Trong đó, bán cho Công ty Thanh Ngũ 160.000 lít, còn 160.000 lít đã cho pha với xăng A92 theo tỉ lệ80% xăng A92 + 20% dung môi + bột tạo màu.
Lực lượng chức năng cho biết số xăng kém chất lượng này đưa ra thị trường từ tháng 8 đến nay khoảng 2 triệu lít.
Nguồn tin: plo.vn