Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Biden vừa đặt một mức giá sàn cho dầu. Nhưng liệu có mang lại hiệu quả?

Chính quyền Biden đã sẵn sàng bán thêm dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) sau khi kết thúc kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng và sau đó sẽ bắt đầu bổ sung SPR khi giá giảm xuống còn 67-72 USD/thùng. Đây là một nội dung quan trọng trong thông báo do Nhà Trắng công bố trong tuần trước khi chính quyền tiếp tục tìm cách điều chỉnh giá nhiên liệu bán lẻ chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Các đợt rút SPR- và các kế hoạch rút nhiều dầu hơn nữa- đã làm dấy lên quan ngại từ một số nhà phân tích, những người đã chỉ ra rằng mục đích của SPR không phải là để giữ giá xăng trong tầm kiểm soát mà để đảm bảo nguồn cung dầu của đất nước trong trường hợp khẩn cấp.

Những người khác đã đặt câu hỏi về tính hợp lý của SPR trong thế giới dầu mỏ hiện nay, nơi Hoa Kỳ là nhà sản xuất dầu lớn nhất hành tinh, nhưng phản ứng của thị trường đối với các đợt xả kho SPR năm nay cho thấy việc duy trì một kho dự trữ chiến lược vẫn là một ý kiến ​​hay.

Mối quan tâm chính của những người nhìn vào mức SPR là việc nạp lại dầu cho kho. Do các đợt giải phóng lớn mà chính quyền Biden đã thực hiện như một công cụ nhằm kìm chế giá xăng, tồn kho tại SPR hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 40 năm, vào khoảng 405 triệu thùng.

“Chính quyền dự định mua lại dầu thô cho SPR khi giá ở mức hoặc thấp hơn khoảng 67- 72 USD mỗi thùng, làm tăng thêm nhu cầu toàn cầu khi giá ở quanh mức đó”, Nhà Trắng cho biết trong một thông báo vào tuần trước.

“Cách tiếp cận mua lại này sẽ bảo vệ người nộp thuế và giúp tạo ra sự chắc chắn về nhu cầu dầu thô trong tương lai. Điều đó sẽ khuyến khích các công ty đầu tư vào sản xuất ngay bây giờ, giúp cải thiện an ninh năng lượng của Hoa Kỳ và hạ giá năng lượng đã được thúc đẩy bởi cuộc chiến của Putin ở Ukraine”.

Những lý giải trên khiến một số nhà bình luận trên các phương tiện truyền thông cho rằng Biden đang nắm bắt một cách hiệu quả ngành công nghiệp dầu mỏ sau khi dành phần lớn thời gian trong hai năm đầu nhiệm kỳ của mình để chống lại ngành này. Trên thực tế, thông báo cũng lưu ý rằng việc bổ sung SPR sẽ liên quan đến các hợp đồng chốt giá trong hai đến ba năm tới.

Nếu nó trông giống như một mức giá sàn và nghe giống như một giá sàn, thì nó ắt hẳn là giá sàn, như Energy Intelligence đã chứng minh trong một phân tích chi tiết về phạm vi giá mục tiêu bổ sung kho dự trữ.

Phân tích chỉ ra rằng phạm vi giá mà chính quyền đề cập ở cùng một mức giá thúc đẩy các nhà sản xuất Hoa Kỳ hedge giá cho sản lượng trong tương lai của họ. Các tác giả giải thích khi dầu tăng cao hơn 70 USD/thùng, họ thích bán chúng trên thị trường giao ngay hơn.

Phân tích cũng cho thấy, phạm vi giá này cũng cao hơn mức hòa vốn của hầu hết các nhà sản xuất, cho thấy đây có thể là động lực để các công ty thúc đẩy sản xuất ổn định.

Thoạt nhìn, nó có vẻ hợp lý. Liệu có nhà sản xuất hoặc bất kỳ mặt hàng nào sẽ không vui khi biết rằng sẽ có nhu cầu đối với sản phẩm của họ trong hai hoặc ba năm nữa? Tuy nhiên, điều này chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi.

Trước khi Biden đề xuất mức giá sàn cho dầu, ông đã nhắm mục tiêu vào ngành dầu mỏ Hoa Kỳ với một lời kêu gọi thay đổi hành vi khác. Ông tuyên bố với các công ty dầu rằng họ nên ngừng mua lại cổ phần và đầu tư vào tăng trưởng sản xuất và kiểm soát giá nhiên liệu.

“Thông điệp của tôi đối với các công ty năng lượng Mỹ là: Bạn không nên sử dụng lợi nhuận của mình để mua lại cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức. Không phải bây giờ. Không phải trong khi chiến tranh đang hoành hành”, Tổng thống Hoa Kỳ phát biểu. "Bạn nên sử dụng những khoản lợi nhuận kỷ lục này để tăng sản lượng và lọc dầu."

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đã hơn một lần chứng minh rằng họ không thực sự thích khi được yêu cầu phải làm gì, đặc biệt là bởi một người đã từng tuyên bố ngành công nghiệp này là trở ngại chính cho một tương lai tốt đẹp hơn của nước Mỹ.

Nhưng nó cũng đã chứng minh một điều khác mà ít ai có thể thấy sắp tới: sự kiềm chế. Đại dịch dường như đã đánh bật tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá ra khỏi ngành dầu mỏ của Mỹ và các công ty giờ đây không chỉ tập trung vào việc trả lại tiền mặt cho cổ đông mà còn thực dụng hơn về tăng trưởng sản xuất.

Cần lưu ý rằng sự hạn chế mới này cũng liên quan đến các chính sách của chính quyền Biden. Trọng tâm của việc này hoàn toàn là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng thay thế. Nói cách khác, chính quyền Biden đang đặt cược vào ‘cái chết’ của dầu. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất dầu không muốn giúp chính quyền hạ giá cho kịp thời gian cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 08/11 tới.

Tuy nhiên, tất cả những điều này không thực sự giải quyết được vấn đề về nguồn dự trữ dầu chiến lược đang ngày càng cạn kiệt. Bởi vì không ai thực sự mong đợi giá dầu sẽ sớm giảm xuống 72 đô la. Ngược lại, giá có khả năng tăng cao hơn nữa trong vài tháng tới khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga có hiệu lực.

Và vì EU đã báo hiệu kế hoạch của mình sẽ tiếp tục với các lệnh trừng phạt Nga trong tương lai gần, giá có thể vẫn tăng trong một thời gian dài, khiến công việc bổ sung kho dự trữ của chính quyền Mỹ khá khó khăn, ngay cả khi sản lượng dầu trong nước dự kiến ​​sẽ trở lại mức kỷ lục vào năm 2023.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM