Vào cuối ngày thứ Ba, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch giải phóng 15 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) sẽ được giao vào tháng 12, đây là đợt cuối cùng của đợt giải phóng khẩn cấp 180 triệu thùng mà Chính quyền Biden đã công bố hồi tháng Ba.
Cũng trong tuần này, Tổng thống Biden cho biết sẽ có "hậu quả" đối với quyết định của Ả Rập Xê-út với tư cách là thành viên của OPEC+ nhằm giảm sản lượng dầu của nhóm để ứng phó với các điều kiện thị trường, đây là động cơ chính thức của OPEC+ cho động thái này.
Một trong những “hậu quả” có thể xảy ra là việc bán vũ khí cho Vương quốc này bị hạn chế hơn nữa, theo đề xuất của các nhà lập pháp Dân chủ. Một hậu quả khác, theo một bài báo của NBC từ hôm thứ Ba, đó là không khuyến khích các công ty Mỹ mở rộng quan hệ kinh doanh với Ả Rập Xê Út.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm, đặc biệt là do những thách thức khác nhau mà các công ty khoan dầu đang phải trải qua, bao gồm tác động lan tỏa của lạm phát, thiếu hụt lao động và thiết bị, cùng với các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Bức tranh có vẻ không sáng sủa đối với an ninh năng lượng Mỹ. Quả thực, người ta có thể tranh luận rằng các hành động của chính quyền Biden từ đầu năm cho đến nay đã làm tổn hại đến an ninh năng lượng và tình hình ngày càng xấu đi.
Việc giải phóng chưa từng có từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược đã đưa nguồn cung dầu thô khẩn cấp của Hoa Kỳ xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, ở mức chưa tới 445 triệu thùng, từ mức 612 triệu thùng trước khi bắt đầu thực hiện chương trình xả kho.
Đây không phải là tin tốt đối với một quốc gia tiêu thụ gần 20 triệu thùng dầu mỗi ngày. Lý do là vì 445 triệu thùng dầu có nghĩa là Hoa Kỳ chỉ có đủ trong kho dự trữ chiến lược của mình cho khoảng 22 ngày tiêu thụ trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp thực sự. Nhiều nhà phân tích - và một số nhà lập pháp - đã kêu gọi Nhà Trắng ngừng sử dụng SPR cho các mục đích không đúng với mục đích ban đầu. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp cận kề, sẽ khó cho bất kỳ chính quyền đang nắm quyền nào có thể phớt lờ giá nhiên liệu và thực tế là sau khi sụt giảm đáng kể trong mùa hè- nhờ một phần không nhỏ vào việc giải phóng SPR - giá đang tăng trở lại.
Một số người cho rằng SPR đã lỗi thời vì Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu ròng. Nhưng như Robert Rapier đã chỉ ra trong một bài báo của Forbes, ngoài tất cả những điều này, Mỹ còn là một trong những nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nhập khẩu cũng sẽ có tác động nghiêm trọng đến giá dầu trong nước nếu không có vùng đệm mà SPR cung cấp.
Nói về nhập khẩu, Ả Rập Xê Út là một trong những nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Mỹ. Thật kỳ lạ, tính đến năm ngoái, Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu lớn thứ tư của Hoa Kỳ sau Canada, Mexico và Nga. Bây giờ dầu của Nga đã bị cấm, Ả Rập Xê Út đã chuyển lên vị trí thứ ba, với dữ liệu EIA mới nhất cho thấy nhập khẩu hàng ngày khoảng 541.000 thùng.
Sau lệnh cấm đối với dầu của Nga - và các sản phẩm tinh chế - giá nhiên liệu ở Mỹ đã tăng vọt, và phải mất nhiều tháng, và hơn 100 triệu thùng dầu từ SPR mới có thể đẩy giá đi xuống. Nếu leo thang ngoại giao với Ả Rập Xê Út tiếp tục, xuất khẩu dầu từ Vương quốc này có thể sẽ bị ảnh hưởng vào thời điểm tồi tệ nhất có thể đối với chính quyền Biden.
Những tín hiệu mới nhất từ cả hai phía đều không có gì lấy làm hứa hẹn. Biden đã dùng đến SPR một lần nữa, các Thượng nghị sĩ đang kêu gọi trừng phạt Ả Rập Xê Út, trong khi hoàng tử Ả Rập Xê Út và họ hàng xa của người cai trị trên thực tế của Vương quốc, Thái tử Mohammed, vừa đe dọa Washington bằng một cuộc vận động chống lại Mỹ.
Giờ đây, nhiều thông tin về gốc rễ của sự rạn nứt cũng đang xuất hiện và viễn cảnh thậm chí còn trở nên u ám hơn. CNBC đưa tin trong tuần này rằng Nhà Trắng đã yêu cầu Saudi trì hoãn quyết định giảm sản lượng một tháng. Thông tin trên xuất phát từ một tuyên bố chính thức của Ả Rập Xê Út về việc bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng.
Những tuyên bố về sự ép buộc các thành viên OPEC+ khác của Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã không giúp làm rõ ràng không khí giữa Washington và Riyadh. Ngay sau khi các tuyên bố được đưa ra, một số thành viên OPEC đã vội vã tuyên bố quyết định của OPEC+ là từ sự nhất trí và không ai bị cưỡng ép.
Sự cạn kiệt SPR, căng thẳng ngoại giao leo thang với nhà cung cấp dầu lớn thứ ba, cùng với những thách thức về tăng trưởng sản xuất trong nước: bức tranh có vẻ không ổn. Đồng thời, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng sản lượng dầu của Hoa Kỳ đang trên đà đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, vì vậy có lẽ không phải tất cả đều ảm đạm.
Điều thực sự ảm đạm là không có nhiều lựa chọn cho Biden để đối phó với giá xăng cao. Các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ cần dầu nhập khẩu để hoạt động. Các nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung bằng cách làm dịu quan hệ với Venezuela cho đến nay đã thất bại. Thỏa thuận với Iran dường như đã bị đình trệ một lần nữa. Trong khi Canada và Mexico không thể xuất khẩu đủ, xét theo số lượng nhập khẩu dầu mới nhất của Hoa Kỳ.
Việc xả kho SPR không thể tiếp diễn vô thời hạn. Trên thực tế, kho dự trữ sẽ sớm cần được tái bổ sung, nhưng Nhà Trắng cho biết họ sẽ đợi cho đến khi giá giảm xuống từ 67 USD đến 72 USD/thùng. Điều này có thể mất một thời gian do lệnh cấm vận sắp tới của EU đối với dầu của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 và dường như cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu dầu ngoài EU.
Nói tóm lại, chính quyền Biden đang gặp hoàn cảnh bất lợi khi đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Và việc sản lượng dầu của Mỹ có đạt kỷ lục hay tăng trưởng vừa phải hay không như các giám đốc điều hành trong ngành dự kiến ít nhiều cũng sẽ không liên quan trong bối cảnh an ninh nguồn cung hiện nay. Xét cho cùng, OPEC luôn có thể cắt giảm nhiều sản lượng hơn và kiếm được nhiều hơn từ giá cao hơn.
Nguồn tin: xangdau.net