Sự chú ý đổ dồn vào OPEC+
Trước "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga vào Ukraine, thị trường năng lượng gần như đã ở trạng thái cân bằng, oilprice.com nhận xét. Bất chấp một đại dịch toàn cầu làm gián đoạn nền kinh tế chung trong hai năm qua, thị trường đã trở lại mức tương đối ổn định dưới sự lèo lái của OPEC+.
Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán trong thế giới hậu COVID-19, sức mạnh và quyền lực của liên minh dầu mỏ sẽ ngày càng được củng cố, dù nhiên liệu hóa thạch vẫn bị chính phủ các nước kêu gọi tẩy chay.
Tuy nhiên, OPEC+ dường như đang bị vướng một bài toán khó, khi Nga - một trong các thủ lĩnh của liên minh, đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế do các lệnh cấm vận của phương Tây. Thậm chí, nguồn cung dầu mỏ của Nga có thể bị cô lập trên phạm vi rộng lớn.
Tại thời điểm thị trường đang phải đối mặt với một số vấn đề về nguồn cung, xung đột giữa Nga và Ukraine thực sự đã đổ thêm dầu vào lửa. Các nước phương Tây đang kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng để dập tắt cơn khát dầu thô và hạ nhiệt giá xăng dầu.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào OPEC+, khi mà tổ chức này được coi là lựa chọn khả thi nhất có thể bơm thêm dầu thô ra thị trường trong ngắn hạn. Song, cho đến nay, các tiếp xúc từ Washington, London và Brussels đến OPEC+ đều có vẻ bất thành.
Trong một động thái gây chú ý, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bay tới Arab Saudi để thảo luận về các khoản đầu tư khả thi, nhưng chủ yếu là để thúc giục Riyadh tăng sản lượng. Tuy nhiên, nỗ lực của ông Johnson đã vấp phải sự im lặng, không ai hứa hẹn về việc bơm thêm dầu thô.
Theo oilprice.com, câu trả lời của Arab Saudi thực sự rất rõ ràng: Tại thời điểm này, họ không có ý định thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu dầu thô; đồng thời, nước này sẽ không mạo hiểm mối quan hệ bền chặt với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Bí mật của OPEC+
OPEC+ vốn nổi tiếng về việc duy trì công suất dự phòng ổn định để cân bằng thị trường. Trong nhiều thập kỷ qua, liên minh này là trung tâm chú ý của giới thương nhân, nhà nhập khẩu và nhà phân tích tài chính. OPEC+ luôn được coi là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng.
Arab Saudi và gần đây là UAE được coi là các "swing producer", những nhà sản xuất có thể định đoạt thị trường nếu một vấn đề địa chính trị hoặc kỹ thuật đột ngột xảy ra và gây tổn hại cho các nhà cung ứng khác.
Đến giờ, Arab Saudi vẫn là một swing producer chủ chốt khi nắm giữ công suất dự phòng khoảng 1,2 - 2,1 triệu thùng/ngày. Trong vài năm qua, nhờ mở rộng đầu tư, UAE cũng trở thành một swing producer với công suất dự phòng 0,6 - 1,2 triệu thùng/ngày.
Trước đại dịch, Mỹ cũng từng được xem là một nhà sản xuất có quyền quyết định trên thị trường năng lượng, ngay cả khi năng lực sản xuất dài hạn của mỗi nước là khác nhau.
Kể từ khi đại dịch chuyển sang giai đoạn mới, lần đầu tiên các nhà phân tích toàn cầu nhận thấy nguy cơ thị trường bị khủng hoảng thiếu cung. Đây có lẽ là thời điểm thị trường nên đánh giá lại câu chuyện về công suất dự phòng của OPEC+.
Việc thiếu hụt các khoản đầu tư và khai thác dự án mới trong những thập kỷ gần đây đã khiến các nhà sản xuất dầu mỏ không thể chuẩn bị cho trường hợp thiếu cung, oilprice.com nhận định.
Một số chuyên gia cảnh báo, một phần nguyên nhân khiến liên minh OPEC+ theo đuổi chính sách sản lượng gắt gao như hiện nay là để che giấu những hạn chế về công suất dự phòng nội bộ.
Tuy nhiên, khi Nga đứng trên bờ vực khủng hoảng và thị trường có thể bị thiếu hụt nguồn cung như bây giờ, OPEC+ sẽ cần phải hành động. Nếu các nước thành viên tiếp tục im lặng, những tin đồn về công suất dự phòng trong nội bổ tổ chức sẽ ngày càng trở nên đáng tin hơn.
Công suất dự phòng bền vững | Công suất dự phòng ngắn hạn | Công suất dự phòng 90 ngày | |
---|---|---|---|
Arab Saudi | 12,2 | 1,2 | 2,1 |
UEA | 4,1 | 0,6 | 1,2 |
Iraq | 4,8 | 0,3 | 0,6 |
Kuwait | 2,8 | 0,1 | 0,2 |
Nga | 10,2 | 0,1 | 0,2 |
Khác | 12 | 0 | 0,8 |
Tổng* | 46,2 | 2,2 | 5,1 |
Nguồn: Báo cáo tháng 3 của IEA; đơn vị: triệu thùng/ngày.
* không tính Iran
Phân tích mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, công suất dự phòng ngắn hạn của OPEC+ hiện chỉ rơi vào khoảng 2,2 triệu thùng/ngày. Arab Saudi và UAE là hai nước có công suất dự phòng cao nhất, nhưng sự im lặng lạ lùng của hai ông lớn này không tạo niềm tin cho giới quan sát.
Một thực tế đang dần hiện ra trước mắt là hơn 4 triệu thùng dầu đang mắc kẹt trên đất Nga mỗi ngày và thị trường không thể tìm thấy sản phẩm thay thế cho chúng. Nếu Arab Saudi và UAE không thể cung ứng thêm 2 - 3 triệu thùng dầu/ngày cho các thị trường phương Tây, giá dầu thô sẽ tăng lên mức cao mới.
Nguồn tin: Vietnambiz