Dầu mỏ được ví như “vàng đen” vì giá trị và một số lợi ích nhất định. Nhưng trong thực tế, những hiểm họa và rủi ro mà dầu mỏ mang đến lại cao hơn nhiều. Nhiều bi kịch đã và đang diễn ra tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Hiện Venezuela đang trải qua những tháng ngày tồi tệ khi cả đất nước chìm trong bóng tối do nạn mất điện kéo dài nhất trong lịch sử. Venezuela cũng đang đối mặt với các cuộc xung đột chính trị và có thể biến thành cuộc nội chiến bất cứ lúc nào. Ở Algeria, quyền lực chính trị đang bị một nhóm người lợi dụng. Do đó, người dân đã đứng lên biểu tình, phản đối ông Abdelaziz Bouteflika tái tranh cử tổng thống sau khi ông đã lãnh đạo đất nước suốt 20 năm. Còn tại Arập Xêút, nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại tàn nhẫn hồi 6 tháng trước. Tất cả những bi kịch diễn ra ở 3 quốc gia đều bắt nguồn từ một tác nhân: Dầu mỏ.
Bi kịch chính trị
Thông thường, “vàng đen” đại diện cho sự hưng thịnh của các quốc gia sản xuất. Đây là hàng hóa bán chạy nhất trên thế giới và đã từng mang đến 1,7 nghìn tỉ USD cho các nước xuất khẩu dầu mỏ vào năm 2018. Thế nhưng, thay vì cải thiện cuộc sống cho người dân thì dầu mỏ lại khiến “giấc mơ vàng” trở nên xa vời. Nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu như Arập Xêút (đứng thứ 2 thế giới), Nga (thứ 3), Iran (thứ 4), Iraq (thứ 6), Kuwait (thứ 9), Brazil (thứ 10), Mexico (thứ 11), Venezuela (thứ 12) lại đứng cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia có cuộc sống tốt đẹp. Chỉ có một số ít quốc gia thoát khỏi bi kịch dầu mỏ.
Trên thực tế, các nước sản xuất “vàng đen” đang hứng chịu các đòn nặng nề trên hai phương diện kinh tế lẫn chính trị. Sử gia Lord Acton người Anh trong thế kỷ XIX đã chỉ ra: “Nếu quyền lực bị biến chất thì quyền lực dầu hỏa hoàn toàn hủ bại”.
Nguyên nhân khó ngờ
Trong khi các nước có nguồn dầu mỏ dồi dào đang chật vật xoay xở thì các nước như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc hoặc Ethiopia - quốc gia mới nổi lại đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ. Sự đối lập này khiến chúng ta liên tưởng đến “căn bệnh Hà Lan” trong những năm 1960.
Mọi thứ bắt đầu khi các nhà thăm dò phát hiện mỏ dầu khổng lồ ở khu vực Groningen của Hà Lan vào năm 1959. Chính phủ bắt đầu đổ rất nhiều tiền của vào việc khai thác và thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp bắt đầu bị trì trệ không rõ nguyên nhân. Chi phí dầu mỏ đột nhiên tăng cao khiến Hà Lan dần đánh mất thị phần của mình vào tay các quốc gia đối thủ cạnh tranh.
Thật bất ngờ khi chính việc sản xuất dầu mỏ là nguyên nhân cho tình trạng ngưng trệ đó. Trước tiên phải kể đến việc giá nhân công tăng cao do Hà Lan muốn thu hút lực lượng lao động lành nghề. Kế đến, giá dầu mỏ cũng làm tăng giá các ngành công nghiệp dịch vụ có liên quan, dẫn đến giá trị đồng tiền Hà Lan tăng mạnh, thúc đẩy nhập khẩu nhưng lại kìm hãm xuất khẩu...
Có một giải pháp hữu hiệu cho “căn bệnh” đó là không dùng quá nhiều tiền thu được từ sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ vào xây dựng nền kinh tế. Lợi nhuận thu từ dầu mỏ được cần được dự phòng cho các trường hợp xấu trong tương lai, như việc giảm sự tác động của giá cả tăng vọt. Đây chính là cách mà Na Uy đang thực thi với quỹ đầu tư quốc gia.
Sự cám dỗ khó cưỡng
“Vàng đen” còn dẫn đến các vụ bê bối chính trị. Do sức hút lợi nhuận của nguồn nhiên liệu này quá lớn đã khiến các nhà lãnh đạo khó cưỡng lại được sự cám dỗ. Minh chứng rõ nhất là vụ tham nhũng tại Petrobras. Đây cũng là tình trạng chung ở Riyadh, Tehran, Algiers, Brasilia...
Mọi người đều cho rằng các vụ bê bối không thể xảy ra ở Mỹ, nơi có nền kinh tế và quyền dân chủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua các vụ của ông hoàng dầu lửa Rockefeller, chuyện cựu Tổng thống George W.Bush - người từng đảm nhiệm chức phó chủ tịch một công ty dầu mỏ và vụ cựu Phó tổng thống Dick Cheney đã từng là người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Halliburton hùng mạnh với 50 nghìn nhân công. Hay việc tổng thống Donald Trump đã chọn Rex Tillerson, người từng là ông chủ của Exxon (công ty dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới) vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Các vụ việc trên dường như không hề được các nhà báo hé lộ.
“Có thể thấy tại các quốc gia chuyên sản xuất dầu mỏ, phương tiện truyền thông chịu nhiều sự chi phối và ít được tự do hơn ở các quốc gia khác”, một nhóm các nhà kinh tế bày tỏ vào thời điểm cách đây 10 năm.
“Nếu có một loại tài nguyên dẫn đến bất ổn về chính trị và gây sức ép cho nền kinh tế, thì đó chính là dầu mỏ”, ông Michael Ross, nhà nghiên cứu tại Đại học California UCLA cho biết.
Bi kịch còn tiếp diễn
Lợi nhuận thu được từ “vàng đen” có thể đem đến sự thịnh vượng khi nó đạt được mức giá cao, như câu chuyện Mùa xuân Arập diễn ra năm 2011. Nhưng khi giá dầu bị suy giảm, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn, như những gì mà Venezuela và Algeria đang đối mặt sau khủng hoảng giá dầu kể từ năm 2016.
Bi kịch sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Nếu nguồn dự trữ vàng đen tiếp tục cạn kiệt hoặc không tìm được thêm khách hàng do các chính sách về khí hậu, các quốc gia dầu mỏ sẽ lâm vào cảnh nguy khốn. Mặt khác, chính “căn bệnh Hà Lan” đã làm cho nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ không biết tìm lối thoát mới bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất để hồi phục kinh tế. Như thế, bi kịch sẽ còn tiếp diễn.
Nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu như Arập Xêút, Nga, Iran, Iraq, Kuwait, Brazil, Mexico, Venezuela... lại đứng cuối trong bảng xếp hạng các quốc gia có cuộc sống tốt đẹp. Chỉ có một số ít quốc gia thoát khỏi bi kịch dầu mỏ.
Nguồn tin: petrotimes.vn