Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bên lề kỳ họp: Đại biểu Quốc hội lo ngại lạm phát khi giá xăng tăng liên tiếp

Từ 15 giờ chiều 23/5, xăng tăng hơn 600 đồng/lít, lên mức trên 30.000 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 xăng tăng giá liên tiếp, điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc “té nước theo mưa”, kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng và đối mặt với nỗi lo lạm phát. Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV chiều 23/5, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh, giá xăng dầu đang đi theo giá thế giới. Trước khi có xung đột tại Nga-Ukraine thì đã có dấu hiệu của lạm phát do chính sách kích cầu của các nước khi kiểm soát được dịch bệnh.

"Bây giờ các nước bắt đầu thắt chặt, Mỹ đã tăng lãi suất và tác động đến nền kinh tế thế giới. Chúng ta phải hành động gấp để bệnh lạm phát này không tăng lên và bệnh nặng thì phải dùng liều thuốc nặng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh. 

"Những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường. Bài học chúng ta nhìn được gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn...", đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đánh giá.

Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%, nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Khi đó, kinh tế tăng trưởng thấp so với tiềm năng.

"Với những dấu hiệu hiện nay, tuy lạm phát còn ở mức thấp, nhưng tương lai sẽ cao hơn. Tại Mỹ hay Châu Âu, lạm phát đã tăng cao nhất trong 30-40 năm qua, nên ở Việt Nam, khi đang có cơ hội để kìm tốc độ tăng của lạm phát thì phải sử dụng, nếu không cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế kiểm soát", đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Vì giá cả lên rồi thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí. Vì vậy, phải chặn ngay vấn đền này.

Còn theo đại biểu Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, việc tăng giá xăng đang theo xu hướng chung của thế giới, do đứt gãy nguồn cung và trực tiếp nhất là biến động địa chính trị toàn cầu. Giá xăng dầu tăng cao đương nhiên tác động đến đầu vào của sản xuất và đời sống của người dân. Điều các chuyên gia lo ngại là lạm phát kỳ vọng, mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, bức tranh kinh tế Việt Nam hơn 4 tháng qua hầu hết có triển vọng tăng trưởng, nhưng ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái và diễn biến của nó có thể còn phức tạp do ngoại cảnh như đại dịch, xung đột Nga-Ukraine. Vì vậy, khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khó. Việt Nam phải tính kịch bản có thể phải điều chỉnh các mục tiêu, trong đó có chỉ tiêu lạm phát.

Nguồn tin: TTXVN

 

ĐỌC THÊM